Giáo dục tử tế

05/09/2018 09:24 GMT+7

'Chung tay viết nên câu chuyện giáo dục tử tế', thông điệp ấn tượng mà ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, chia sẻ với PV Thanh Niên trước thềm năm học mới 2018 - 2019.

Trong bối cảnh câu chuyện giáo dục (GD) VN còn nhiều vấn đề phải bàn, ông Nguyễn Đình Vĩnh tỏ ra tâm đắc với khái niệm “giáo dục tử tế”, “gửi đến thế hệ trẻ sự tử tế” vừa được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhắc nhở trong buổi làm việc đầu năm học mới với ngành GD Đà Nẵng.
Tạo môi trường giáo dục trong lành
PV: Ông có thể cho biết Đà Nẵng sẽ làm gì và bằng cách nào để câu chuyện GD tử tế được chia sẻ ?
Ông Nguyễn Đình Vĩnh: Cá nhân tôi rất tâm đắc về nhắc nhở này của Bí thư Thành ủy. Có thể ngầm hiểu rằng, câu chuyện tử tế được chia sẻ trên mọi phương diện, không chỉ trong việc GD học sinh (HS) mà còn là sự đối đãi với giáo viên (GV), trong chiến lược GD lâu dài và minh bạch, tạo cảm hứng dạy và học, cống hiến và phát triển.
Trong môi trường giáo dục tử tế ấy, các em học sinh còn được học về lòng nhân ái, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, cốt lõi và trên cả những nỗ lực mà giáo dục hướng tới.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng


Cụ thể, trong năm học mới 2018-2019, ngành GD thành phố cam kết sẽ tạo một môi trường GD trong lành để HS có thể phát triển toàn diện. Bên cạnh việc đảm bảo kiến thức chuyên môn căn bản, sẽ tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thực nghiệm. Các trường học sẽ phát triển các chương trình lớp học ngoài thiên nhiên, lớp học không vách ngăn, lớp học không bục giảng, chú trọng các kỹ năng thể chất, sức khỏe, kỹ năng sinh tồn, tự phục vụ bản thân, tự bảo vệ bản thân… cho HS. Chúng tôi khuyến khích học gắn với hành, tạo hứng thú cho HS bằng cách kết nối đưa các em tham gia với các đơn vị sản xuất, cơ quan xí nghiệp, bảo tàng, trung tâm khoa học thực nghiệm, trung tâm khoa học giáo dục quốc tế để tạo không khí học tập năng động…
Ngành GD Đà Nẵng cũng sẽ hạn chế những thay đổi không cần thiết và mang tính rối rắm trong học tập, tuyển sinh. Đà Nẵng sẽ không thực hiện việc thi các tổ hợp tự nhiên, xã hội như nhiều tỉnh thành khác, để học sinh học vừa sức, có thể phát triển toàn diện. Tuy nhiên, HS có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo chuẩn đã công bố sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ...
Đội ngũ GV sẽ được tạo cảm hứng với nghề như thế nào, thưa ông?
Để GV tận tâm với nghề, tâm huyết cống hiến và làm mới môi trường GD, không gì bằng tạo môi trường làm việc thuận lợi cho họ. Kết quả của đợt GV được chọn nhiệm sở theo năng lực vừa được triển khai ở Đà Nẵng là minh chứng. GV được tự do thể hiện năng lực thông qua một cuộc thi công bằng, ở đó mọi thông tin về thí sinh, về nội dung thi đều được mã hóa. Đằng sau câu chuyện này có sự kỳ vọng về năng lực dạy học ở các trường, để có sự công bằng và thuận lợi từ chính khâu phân bổ, quản lý. Bản thân GV khi được chọn trường phù hợp năng lực, điều kiện ăn ở, đi lại sẽ tạo được niềm tin, khuyến khích họ cống hiến, tạo sự phấn chấn khi bước vào năm học mới...
Kỳ vọng “Giáo dục 4.0”
Có thông tin cho biết từ năm học này, ngành GD-ĐT Đà Nẵng sẽ có nhiều đột phá trong nỗ lực tạo một môi trường GD hiện đại và ưu việt?
Đó chính xác là những điểm mới trong khung đề án tổng thể kiến trúc công nghệ thông tin phục vụ GD, đáp ứng thời đại khoa học công nghiệp 4.0. Đây là đề án lớn được phê duyệt và triển khai từ việc mua sắm trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng công nghệ, kết nối, đồng bộ các phần mềm hiện tại đang sử dụng, rà soát các cơ sở còn hạn chế, kết nối triển khai mang tính toàn hệ thống.
Các cơ sở GD tại Đà Nẵng đã và đang xúc tiến triển khai hệ thống thiết bị bảng tương tác U-Pointer trong dạy và học để kết nối giáo trình, giáo án của GV đến phần thực hành của HS. Tăng cường hệ thống camera giám sát trong quản lý; tiến hành tuyển sinh trực tuyến toàn bộ và trong toàn ngành GD; phát triển thư viện điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, nhân rộng các thiết bị thí nghiệm tương tác...
Trở lại với câu chuyện “gửi sự tử tế đến người trẻ”. Tùy theo điều kiện mà mỗi trường học khuyến khích HS tự “viết” ra những chương trình đồng hành nhân đạo để chia sẻ khó khăn về vật chất, tinh thần với bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ đây, các giá trị sống được đề cao. Cung cách ứng xử giữa thầy - trò, phụ huynh - GV trước mặt HS, giữa các cá nhân... sẽ là những câu chuyện dài, để thầy và trò cùng chung tay viết nên câu chuyện về sự tử tế ở chốn học đường.
Cám ơn những chia sẻ tâm huyết của ông.
Quảng Nam: đầu tư lớn và siết kỷ cương
Ngày 3.9, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND H.Tây Giang khánh thành, đưa vào sử dụng Trường THPT Võ Chí Công tại xã biên giới Axan. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, với vốn đầu tư gần 24 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, trường THPT Võ Chí Công đưa vào sử dụng sẽ giúp học sinh dân tộc thiểu số ở 4 xã vùng biên (Axan, Tr’Hy, Gari, Ch’Ơm) không còn phải xuống trung tâm huyện để học như trước. Chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, Quảng Nam cũng đầu tư gần 362 tỉ đồng xây mới 562 phòng học, sửa chữa 102 phòng học, xây mới 176 công trình vệ sinh...; gần 177 tỉ đồng mua sắm máy vi tính, thiết bị, bảng chống lóa, đóng mới bàn ghế. Phần lớn nguồn lực đầu tư này dành cho khu vực miền núi.
Sở GD-ĐT Quảng Nam ban hành văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Nếu vi phạm, Trưởng phòng GD bị cắt thi đua (theo địa bàn phụ trách), cán bộ, giáo viên bị xử lý hành chính, không xem xét danh hiệu thi đua hoặc cảnh cáo trong toàn ngành, kéo dài thời gian nâng lương 1 năm (vi phạm lần 2).
Thừa Thiên - Huế: Đẩy mạnh giáo dục trực tuyến, thông minh
TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế, cho biết năm học mới 2018-2019, địa phương triển khai phương thức dạy học trực tuyến (E-learning) một cách phù hợp với từng cấp học, môn học và sát với điều kiện hiện có của từng đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động dạy học và quản lý qua trang mạng “Trường học kết nối”; tổ chức sinh hoạt chuyên môn từng trường, cụm trường, thông qua mạng internet... Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng chỉ đạo đẩy mạnh rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp theo nhiều cấp học; xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng hệ sinh thái giáo dục - đào tạo thông minh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025 theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Đến thời điểm tựu trường (ngày 20.8), toàn tỉnh huy động ra lớp 230.667 học sinh khối mầm non, phổ thông và 707 học sinh khối giáo dục từ xa.
Quảng Bình: Không để xảy ra “lạm thu”
Tại Quảng Bình, chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học quán triệt chủ trương, chính sách, quy định đến cán bộ, giáo viên; kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học, nhất là trường học ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Sở lưu ý việc thu, chi, yêu cầu thu chi rõ ràng, đúng quy định, không để xảy ra “lạm thu”. Công đoàn ngành giáo dục Quảng Bình tiếp tục triển khai các phong trào thi đua trọng tâm và các cuộc vận động; chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Toàn tỉnh hiện có 620 trường và cơ sở giáo dục với hơn 225.600 học sinh, sinh viên.
Hữu Trà - B.N.Long - T.Q.Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.