3 trường ĐH liên kết thành ĐH?

24/03/2019 13:42 GMT+7

Chính phủ vừa đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH.

Điều kiện từ trường ĐH thành ‘ĐH’

Đáng chú ý trong đó là điều kiện để chuyển từ trường ĐH thành ĐH. Cụ thể, trường ĐH này phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng; có ít nhất 5 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có nghị quyết của hội đồng trường; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường ĐH (trường công lập) và sự đồng thuận của nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp (trường tư thục); có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của trường.

Dự thảo này cũng quy định chi tiết về điều kiện để các trường ĐH liên kết thành ĐH. Cụ thể gồm: có ít nhất 3 trường ĐH đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH tham gia liên kết; các trường này phải cùng loại hình (trừ trường hợp trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành ĐH tư thục không vì lợi nhuận). Bên cạnh đó phải có nghị quyết của hội đồng các trường; Có quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH do các trường cùng xây dựng; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan trực tiếp quản lý các trường công lập hoặc các nhà đầu tư với trường tư thục; Ý kiến đồng ý của UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của trường.

Đề án chuyển đổi thành các ĐH sẽ do Bộ GD-ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Dự thảo này cũng đưa ra điều kiện để thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH gồm: có tối thiểu 5 ngành thuộc cùng một nhóm ngành đào tạo từ trình độ ĐH trở lên, trong đó tối thiểu 3 ngành đang đào tạo trình độ tiến sĩ, đã cấp bằng tiến sĩ; có quy mô đào tạo từ 3.000 người trở lên. Hồ sơ thành lập trường phải có văn bản đồng ý của cơ quan trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục ĐH công lập hoặc sự đồng thuận của nhà đầu tư với trường tư thục. Tuy nhiên theo dự thảo này, hội đồng trường của cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục ĐH.

Tiêu chí của ĐH định hướng nghiên cứu

Theo dự thảo này, một cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu cần đạt các tiêu chí cụ thể. Trong đó, tỷ lệ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không dưới 50% tổng số chương trình đào tạo cấp bằng. Quy mô người học 2 bậc này không ít hơn 25% tổng quy mô đào tạo và cấp tối thiểu 20 bằng tiến sĩ mỗi năm. Tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 25% tổng thu của cơ sở.

Đặc biệt, trường phải công bố tối thiểu 100 bài báo ISI/Scopus mỗi năm và đạt tỷ lệ trung bình 0,3 bài/năm/giảng viên trong 3 năm gần nhất.

Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu.

Tên trường ĐH phải bằng tiếng Việt

Theo dự thảo này, tên của cơ sở giáo dục ĐH phải bằng tiếng Việt, kèm tên giao dịch quốc tế được xác định trong quyết định thành lập hoặc quyết định đổi tên. Việc đổi tên của cơ sở giáo dục ĐH được thực hiện trong trường hợp cần thiết, đồng thời phải bảo đảm các quy tắc trên.

Nguyên tắc đặt tên là không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục ĐH khác đã thành lập hoặc đăng ký, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ. Việc đặt tên không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Cấp bằng bác sĩ, kỹ sư do Thủ tướng quy định

Trong dự thảo nghị định còn có quy định về trình độ đào tạo một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.

Đây là trình độ của người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương hoặc đã tốt nghiệp chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp đối với người đã có bằng cử nhân.

Căn cứ vào quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, tiêu chuẩn giảng viên và chuẩn đầu ra đã đạt được, người tốt nghiệp chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục ĐH bao gồm bằng kỹ sư, bằng bác sĩ và một số loại văn bằng khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Còn chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quyết định ban hành hoặc do hội nghề nghiệp cấp trung ương ban hành và được bộ, cơ quan ngang bộ quyết định công nhận theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.