40 học sinh bị trường tư từ chối có được chuyển vào học trường công lập ?

15/07/2020 07:22 GMT+7

Việc Trường dân lập quốc tế Việt Úc từ chối tiếp nhận 40 học sinh tiếp tục học do bất đồng quan điểm với phụ huynh khiến nhiều người băn khoăn liệu những học sinh này có thể chuyển vào học ở các trường công lập?

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát TP.HCM, cho biết căn cứ pháp lý cho HS chuyển trường, hiện nay đối với HS tiểu học (được tính từ 6 tuổi đến 14 tuổi tính theo năm học) áp dụng theo quy định tại Thông tư 50/2012/TT-BGDDT sửa đổi bổ sung điều 40, 40a của TT41/2010. Theo đó, HS trong độ tuổi tiểu học có nhu cầu chuyển trường, được chuyển đến trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ngoài nơi cư trú nếu trường tiếp nhận đồng ý. Thông tư này áp dụng cho cả hệ thống trường công lập và tư thục.
Đối với HS THPT sẽ áp dụng quy định tại Quyết định số 51/2002/QD-BGDDT. Việc chuyển trường được quy định tại điều 2. Trong đó khoản 1 từ các quy định tại khoản 2 và 3 điều này, HS được xét và giải quyết chuyển trường nếu bảo đảm đủ các điều kiện về đối tượng và hồ sơ thủ tục tại các điều 4 và 5 của quy định này. Việc chuyển trường từ trường trung học bình thường sang trường trung học chuyên biệt (phổ thông dân tộc nội trú, trường chuyên, trường năng khiếu) thực hiện theo quy chế riêng của trường chuyên biệt đó.

Phụ huynh tập trung phản đối mức học phí ở Trường quốc tế Việt Úc tại TP.HCM vào tháng 5.2020

Đại diện ngành GD-ĐT TP.HCM nói gì ? 

Lãnh đạo một phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay ở cấp THPT, thông thường việc chuyển trường chỉ thực hiện giữa các trường cùng hệ hoặc công hoặc tư. Bởi 2 hệ trường thực hiện hình thức tuyển sinh khác nhau, trong đó trường tư thực hiện tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, còn trường công thực hiện việc tuyển sinh thông qua một kỳ thi, có chỉ tiêu căn cứ theo điều kiện cơ sở vật chất và có điểm chuẩn cụ thể. Nếu thực hiện việc chuyển giữa các hệ trường thì sẽ gây mất công bằng đối với HS trường công. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như HS thuộc diện nghèo, cận nghèo, có giấy xác nhận của địa phương hay HS thay đổi nơi cư trú mà khu vực mới không có trường tư… thì lãnh đạo sở GD-ĐT sẽ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Còn đối với bậc tiểu học, THCS, một lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.9 cho hay HS có thể chuyển từ trường tư sang trường công nếu trường mà HS muốn chuyển đến còn chỗ học. Để đảm bảo nhu cầu về học tập cho HS, phòng GD có thể kiểm tra năng lực học tập của HS để bố trí trường lớp cho phù hợp.
Bích Thanh
Việc chuyển trường từ trường THPT ngoài công lập sang trường công lập chỉ được xem xét, giải quyết trong 2 trường hợp sau: Trường hợp HS đang học tại trường THPT ngoài công lập phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập thì giám đốc sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập. Trường hợp HS đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương thì giám đốc sở GD-ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường trung học phổ thông công lập.
Bên cạnh đó, điều 4 quy định chuyển trường là HS chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ. HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường. Khi đó, nếu việc chuyển trường trong cùng một tỉnh, thành phố, thì hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét giải quyết. Nếu việc chuyển trường từ tỉnh, thành phố khác, thì sở GD-ĐT tại nơi đến tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường. Như vậy, đối với HS đang theo học ở các trường ngoài công lập muốn chuyển trường đang đóng trên địa bàn TP.HCM thì phải được hiệu trưởng của trường mới đồng ý tiếp nhận.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.