Xã 10.000 dân vẫn chưa có bác sĩ
Xã Đray Sáp (H.Krông Ana) được thành lập từ năm 2004, tách ra từ xã Ea Na, có 7 thôn, buôn với hơn 10.000 dân. Trạm y tế xã được xây dựng khá khang trang trên quả đồi lộng gió, cách khá xa các khu dân cư. Chị Trần Thị Kim Lan, Phó trưởng Trạm y tế xã, bộc bạch: “Trạm có 6 y sĩ, điều dưỡng, nhưng 2 người đang đi học. Tất tần tật mọi chuyện liên quan sức khỏe hơn mười ngàn dân đều qua tay 4 chị em còn lại. Vất vả lắm, anh ạ”.
Theo chị Lan, công việc của trạm y tế thực sự “quá tải” cho chị em, do phải đảm đương từ khám bệnh, cấp thuốc, làm dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng, đến tham gia các chương trình sức khỏe tâm thần, nước sạch, vệ sinh môi trường, thực phẩm. Ngay như chị Lan là y sĩ sản nhi nhưng phải đảm nhận việc theo dõi, điều trị... 18 bệnh nhân tâm thần trên địa bàn xã. “Cái khó nhất là trạm không có bác sĩ nên gặp nhiều bệnh chúng tôi bó tay, không thể chẩn đoán, kê đơn chính xác, vì không đủ chuyên môn. Những trường hợp bệnh khó lẽ ra có bác sĩ thì có thể điều trị tại chỗ, nhưng trạm đành cho chuyển lên tuyến trên, gây tốn kém cho bà con” - y sĩ Lan bày tỏ.
Cái khó nhất là trạm không có bác sĩ nên gặp nhiều bệnh chúng tôi bó tay, không thể chẩn đoán, kê đơn chính xác, vì không đủ chuyên môn Y sĩ Trần Thị Kim Lan |
Gian nan tuyển bác sĩ
Ông Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, đánh giá: “Việc tuyển bác sĩ cho tuyến xã trong tỉnh là công việc khó khăn của ngành y tế. Năm 2007, nhu cầu tuyển dụng là 32 nhưng chỉ có 3 bác sĩ dự tuyển. Năm 2008, nhu cầu là 52 nhưng cũng chỉ có 3 dự tuyển”.
Ông Tiến cho biết, ngay cả nhiều bệnh viện tuyến huyện trong 3 năm qua cũng không tuyển được bác sĩ như Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, MĐắk, Ea Súp, Krông Năng... Hiện số lượng bác sĩ toàn tỉnh Đắk Lắk là 981 người, chiếm tỷ lệ 5 bác sĩ/10.000 dân. Để đạt mục tiêu đến năm 2010 có 7 bác sĩ/10.000 dân thì còn thiếu 400 bác sĩ. Nhìn vào thực tế tuyển dụng, mục tiêu này còn khá xa vời.
Theo ông Tiến, nhiều nguyên nhân không thu hút được bác sĩ về tuyến xã như: giao thông đi lại khó khăn, điều kiện làm việc thiếu thốn, thu nhập thấp, thiếu cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, học tập, nâng cao tay nghề... Mặt khác, các cơ sở y tế tư nhân hiện nay mở ra khá nhiều, nhất là ở TP Buôn Ma Thuột và các thị trấn, với các điều kiện ưu đãi hấp dẫn đã lôi cuốn hầu hết bác sĩ mới ra trường và cả bác sĩ đang công tác trong ngành. Trong hai năm 2006- 2007, có 14 bác sĩ xin nghỉ việc để ra làm bên ngoài, đa số có trình độ chuyên môn cao.
Trong một nỗ lực nhằm củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, tại kỳ họp cuối năm 2008, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua đề án thực hiện một số chính sách hỗ trợ ưu đãi cán bộ y tế giai đoạn 2009-2013, với kinh phí dự kiến hằng năm khoảng 2,7 tỉ đồng. Cùng với việc hỗ trợ thường xuyên cho đội ngũ cán bộ y tế đang công tác, ngân sách tỉnh sẽ trợ cấp lần đầu 10 triệu đồng cho mỗi bác sĩ mới nhận công tác tại các xã vùng III, xã biên giới; 5 triệu đồng đối với xã vùng II; trợ cấp thêm hằng tháng từ 300.000- 500.000 đồng cho bác sĩ đang công tác tại các vùng này.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)