Bài thi phúc khảo từ 0 lên gần 9 điểm: Giải thích của Bộ GD-ĐT là khó chấp nhận!

01/08/2019 07:24 GMT+7

Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin có tham gia vào việc chấm thi trắc nghiệm ở các địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, hiện tượng 58 bài thi trắc nghiệm ở Tây Ninh bị điểm 0 là khó hiểu, trong khi đó giải thích của đại diện Bộ GD-ĐT là khó chấp nhận trong bối cảnh cụ thể của quy trình chấm thi năm nay.

 

Xem lại tất cả bài thi trắc nghiệm bị điểm 0

Theo một chuyên gia về công nghệ thông tin ở một trường ĐH chuyên về kỹ thuật tại Hà Nội, đồng thời trực tiếp tham gia vào tổ chấm thi trắc nghiệm cho một sở GD-ĐT, quy trình chấm thi năm 2019 được Bộ GD-ĐT quy định theo 4 bước: quét bài thi thành ảnh; nhận dạng bài thi; sửa lỗi bài thi; chấm thi. Phần mềm bắt buộc ban chấm thi phải làm lần lượt từng bước, xong bước này mới được qua bước khác.
“Theo quy trình chấm thi như 4 bước, ta có thể thấy xác suất tô nhầm số báo danh vào thí sinh (TS) vắng thi là rất thấp; xác suất tô nhầm mã đề vào đúng mã đề của TS không đi thi cũng rất thấp, trong trường hợp xảy ra sự kiện này thì xác suất bài thi đạt điểm 0 cũng rất thấp (gần như không có). Đồng thời, TS tô mờ cả bài để bị điểm 0 rất hiếm và nếu có thì cũng đã được phần mềm cảnh báo. Nếu lỗi của TS mà cán bộ chấm thi không phát hiện ra thì chỉ rất ít trường hợp. Còn có đến 58 bài thi trắc nghiệm bị 0 điểm như ở Tây Ninh thì chỉ có thể là do phần mềm. Do đó, giải thích của Bộ GD-ĐT khó được giới chuyên môn chấp nhận”, vị chuyên gia này khẳng định và đề xuất: “Dù lỗi phần mềm hay lỗi TS, Bộ GD-ĐT cũng nên cho xem xét lại tất cả bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 trên toàn quốc để đảm bảo công bằng cho các TS”.

Tại sao không phát hiện lỗi trong khi đang chấm ?

Có đến 58 bài thi trắc nghiệm bị 0 điểm như ở Tây Ninh thì chỉ có thể là do phần mềm. Do đó, giải thích của Bộ GD-ĐT khó được giới chuyên môn chấp nhận
Một chuyên gia về công nghệ thông tin
Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia khẳng định, ưu thế tuyệt đối của phần mềm chấm thi cũng như quy trình chấm thi năm nay là tính bảo mật cao. Nhưng đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho lỗi như ở Tây Ninh đã không thể nào được phát hiện khi đang chấm thi.
“Do phần mềm không thực hiện việc thống kê nên tại thời điểm chấm thi, ban chấm thi không hề biết có bao nhiêu bài thi bị điểm 0, do đó không thể phát hiện sự bất thường khi chấm và 58 bài thi bị điểm 0 ở Tây Ninh không được phát hiện kịp thời là do nguyên nhân này”, một chuyên gia chia sẻ.
Vì tính bảo mật, trong quá trình quét và quá trình chấm, cán bộ chấm thi không nhìn được ảnh bài của TS, nên khi bài bị quét lỗi, cán bộ chấm thi không nhìn thấy, phần mềm cũng không nhận ra được. Cho nên đến giai đoạn chấm mới phát hiện lỗi, phải quay lại, ban chấm thi lại phải xin phép Bộ, rất mất thời gian.
Một cán bộ chấm thi cho biết: “Thật sự chúng tôi làm việc như những cái máy. Mọi thao tác, động thái cứ làm theo đúng các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Cho nên khi gặp bất kỳ khúc mắc nào, dù rất nhỏ, chúng tôi cũng phải gọi điện cho Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ cho hướng giải quyết. Ví dụ, khi quét bài thành ảnh thì các file ảnh đã được mã hóa hết. Nhưng do lỗi phần mềm mà có 1 file vẫn bị định dạng dưới ở file ảnh (jpeg), đến khâu soát lỗi phần mềm không chịu chạy, chúng tôi phải gọi về ban chỉ đạo thi, được chỉ đạo là phải xóa file ảnh đó, thì khi đó chúng tôi mới xóa, và khi đó máy mới soát lỗi được”.
Cũng theo nhiều cán bộ tham gia chấm thi, năm nay phần mềm chấm thi gặp rất nhiều trục trặc. Chẳng hạn, ban đầu phần mềm nhận sai rất nhiều số báo danh (ví dụ, dãy số báo danh có 9 ô số thì phần mềm chỉ nhận được 6 ô số). Quá trình sửa lỗi rất lâu. Hoặc nếu bài thi để lệch thì phần mềm cũng không nhận ra được.
Về lỗi này, một cán bộ từng tham gia chấm thi trắc nghiệm thời còn tuyển sinh ĐH theo kỳ thi “3 chung” cho biết: “Tờ giấy thi sẽ có 4 điểm định vị ở 4 góc vuông. Lúc đặt tờ giấy thi vào máy, phần mềm sẽ “bắt” vào 4 điểm đó để định dạng tờ giấy. Nếu một bài thi bị gấp mép, phần mềm sẽ không “bắt” được 4 điểm này và kết quả chấm sẽ sai do các câu trả lời trên bài thi bị “xô”, phần mềm chấm sẽ bắt lệch hết, nên điểm sẽ về 0”.
Nhưng một cán bộ tham gia chấm thi năm nay cũng chia sẻ: “Với phần mềm năm nay, nếu đặt giấy thi dọc theo khổ giấy, dẫu có hơi lệch một chút thì phần mềm cũng sẽ “vít” lại được để xoay tờ giấy lại cho ngay ngắn. Chỉ khi đặt ngang giấy thì phần mềm không xử lý được”.
Một tình huống khác khiến phần mềm cũng sẽ gặp “trục trặc”, đó là giấy thi không đúng quy chuẩn. Ví dụ, ngoài 4 điểm định vị ở 4 góc, 2 bên mép tờ giấy thi còn có 2 hàng “đinh” (dấu chấm) chạy dọc xuống. Nhưng trong quá trình chấm thi, khi rút bài thi ra khỏi túi đựng bài thi, các cán bộ chấm thi đã phát hiện (bằng mắt thường) có một số bài thi bị lệch 2 hàng “đinh”. Nhưng xác suất những tờ giấy lỗi này không cao (chỉ khoảng 5 - 6 bài thi trong số hàng chục ngàn bài thi).

Phần mềm vừa chạy vừa “vá”

Khi chúng tôi hỏi về việc có hay không tình trạng phần mềm chấm thi năm nay vừa chạy vừa “vá” (tức cập nhật phiên bản mới), nhiều cán bộ tham gia chấm thi xác nhận có hiện tượng này. Một cán bộ chấm thi cho biết: “Chiều 27.6, tổ chấm bắt đầu làm việc thì 28.6 chúng tôi nhận được lệnh là phải cập nhật phần mềm, theo như Bộ nói là để tăng tốc độ ghi đĩa CD0”.
Một cán bộ chấm thi khác phản ánh: “Khi tiếp nhận hệ thống thiết bị từ sở GD-ĐT (ngày 26.6), chúng tôi gặp trục trặc với phần mềm. Hóa ra, hệ thống được sở GD-ĐT cài đặt phiên bản từ đời tám hoánh nào đó. Có thể đấy là phiên bản mà họ được tiếp cận hồi đi tập huấn ở Nha Trang (khoảng tháng 3 - 4.2019). Nhưng sau đó Bộ có tổ chức tập huấn ở Phú Thọ thì cán bộ sở GD-ĐT không có mặt, mà lúc đó phần mềm đã có phiên bản mới. Vì thế, để chạy được, chúng tôi đã yêu cầu sở GD-ĐT cập nhật phiên bản mới”. 
4 bước chấm thi trắc nghiệm
Bước 1 quét bài thi thành ảnh, ảnh bài thi được mã hóa để cán bộ chấm thi không nhìn thấy ảnh của bài thi. Do đó, các lỗi như ảnh xoay ngang, ảnh thiếu một phần (do bài thi bị gấp 1 góc)... đã không được phát hiện ra ngay. Sau bước 1, ảnh bài thi được xuất và ghi thành đĩa CD0, lúc này cán bộ chấm thi không được quay lại bước quét ảnh.
Bước 2 nhận dạng bài thi, phần mềm sẽ chuyển ảnh đã được mã hóa thành file text. Sau đó, file text được xuất và ghi thành đĩa CD1, lúc này cán bộ chấm thi không được quay lại bước nhận dạng.
Bước 3 sửa lỗi bài thi, được tách thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là sửa lỗi số báo danh, mã đề. Khi thực hiện giai đoạn này, cán bộ chấm thi không nhìn thấy phần bài thi của TS. Giai đoạn 2 là sửa lỗi tô đáp án. Khi thực hiện giai đoạn này, cán bộ chấm thi không tìm thấy số báo danh của TS. Ở bước này, phần mềm sẽ phát hiện ra các lỗi tô sai, tô trùng số báo danh, trừ khi TS tô số báo danh trùng với một TS không đi thi, tuy nhiên xác suất này rất thấp. Ngoài ra, phần mềm phát hiện lỗi tô trùng mã đề của một TS khác trong phòng, trừ khi TS tô trùng mã đề với một TS không đi thi, tuy nhiên xác suất này cũng rất thấp. Như vậy, việc tô sai, tô trùng số báo danh cơ bản được phần mềm phát hiện và cảnh báo, cán bộ chấm thi có trách nhiệm sửa hết các lỗi trên, trừ những trường hợp phần mềm không phát hiện ra như đề cập ở trên...
Bước 4, sau khi xuất đĩa CD4, tổ chấm thi mới được chuyển sang chấm thi. Bước này cán bộ chấm thi nạp đáp án và thực hiện việc chấm thi, sau đó xuất ra kết quả chấm thi và ghi ra đĩa CD4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.