Buổi tọa đàm với chủ đề “Hàn gắn cộng đồng qua cách hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý” do Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp với Hagar (một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ bảo vệ, phục hồi và nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của mua bán người, bạo hành gia đình và xâm hại tình dục) tổ chức sáng 8.10, đã nêu lên thực trạng đáng lo ngại về vấn đề sang chấn tâm lý mà người Việt, trong đó chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, đang gặp phải.
Có mặt tại tọa đàm, thạc sĩ Tô Thị Hạnh, Trưởng nhóm Hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý thuộc tổ chức Hagar, cho biết: “Sang chấn là một hiện tượng khá phổ biến ở Việt Nam nhưng nghiên cứu về sang chấn tâm lý tại Việt Nam còn chưa nhiều. Nếu người bị sang chấn không được cộng đồng hỗ trợ triệt để thì nguy cơ tái sang chấn là rất cao”.
Theo bà Hạnh, sang chấn tâm lý là hệ quả của việc trải qua tình huống, sự kiện gây căng thẳng hay mang tính đe dọa đến cuộc sống, khiến cá nhân trải nghiệm sự quá tải về cảm xúc, thể chất và để lại những tác động lâu dài lên các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội, tinh thần hay tâm linh. “Nó có thể đến từ các sự kiện nghiêm trọng như thiên tai, hay các hành vi của con người, chẳng hạn bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, xâm hại tình dục, xao nhãng, mất mát… Ở thời đại ngày nay, việc bị bêu xấu trên mạng xã hội, bị bắt nạt trên trường cũng khiến một đứa trẻ bị sang chấn”, bà Hạnh nhìn nhận.
Hệ quả của sang chấn, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tú, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, là khiến người trong cuộc sống trong lo âu, sợ hãi suốt thời gian dài thậm chí cho đến suốt cuộc đời nếu không được hỗ trợ. “Họ cảm thấy ám ảnh, bất lực, tuyệt vọng, không còn niềm tin vào thế giới xung quanh và cuộc sống trở nên vô nghĩa”, tiến sĩ Thanh Tú chia sẻ.
Vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, muốn hỗ trợ người trải qua sang chấn thì cần có sự hiểu biết thấu đáo về sang chấn. Việc hỗ trợ này sẽ giúp thấu hiểu nhu cầu của người bị sang chấn, tôn trọng, chia sẻ, yêu thương họ, đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa nguy cơ gây hại cho người trải qua sang chấn tâm lý.
Bình luận (0)