Bi hài chuyện giáo dục giới tính: Những câu hỏi 'khó đỡ' của trẻ

08/09/2016 04:48 GMT+7

Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó xử, không biết giải thích ra sao khi trẻ thắc mắc: 'Con được sinh ra từ đâu?', 'Tại sao con có mặt trên đời này?'...

Thậm chí, có đứa trẻ học lớp 2 đặt câu hỏi khiến người mẹ bất ngờ và lúng túng: “Con biết tinh trùng có bên ba, trứng có bên mẹ. Vậy làm sao hai cái đó gặp nhau mà sinh ra con được?”.
Không biết thì hỏi Gu-gồ
Đến bây giờ, nếu có ai hỏi rằng: “Em bé được tạo ra như thế nào?”, hai chị em Tina và Hào sẽ tranh nhau kể rất tự nhiên về quá trình “lính” của ba gặp trứng của mẹ để thụ thai.
Mẹ của hai đứa trẻ nói trên, chị Phan Thị Đỗ Uyên (ngụ ở khu phố 4, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho hay: Cách đây 3 năm (khi bé Hào gần 2 tuổi và Tina 4 tuổi), hai chị em chợt hỏi mẹ về quá trình tạo ra em bé. Lúc đó, chị Uyên đã “nhờ cậy” một bộ phim ngắn trên YouTube để cho con xem. Phim không có lời, chỉ có hình ảnh 3D rất sinh động. Trong đó, thể hiện hành trình hàng triệu tinh trùng bơi đi tìm gặp trứng…

tin liên quan

Bi hài chuyện giáo dục giới tính: 'Con hỏi gì bậy bạ quá!'
Trong tháng 8 vừa qua, trên nhiều trang mạng xuất hiện những hình ảnh, câu chuyện về một bé trai khoảng 5 tuổi không chịu ngủ trưa mà cứ muốn làm 'chuyện người lớn' với một bé gái cùng lớp mẫu giáo, khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Do các con còn nhỏ quá, chưa hiểu khái niệm ‘tinh trùng’ là gì nên chị Uyên đã thay thế bằng từ ‘lính’.
Chị Uyên cho biết thêm: Bẵng đi khoảng 2 năm sau, bé Hào bỗng nhiên đòi xem lại bộ phim về “lính” và lúc nào xem cũng tỏ ra rất thích thú.
“Khi con đặt những câu hỏi tế nhị thì mình phải có cách để nói, dùng những ngôn từ dễ hiểu và phù hợp với lứa tuổi của con. Cho đến nay, những câu hỏi của con liên quan đến giới tính, cơ bản tôi đều trả lời được hết. Nói thật, những chuyện đó trước đây tôi chẳng hề biết. Thậm chí, khi tôi học đến lớp 10, lớp 11 rồi mà đâu có ai bảo cho mình hay. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu và tận dụng những phim đúng chủ đề sẵn có trên YouTube để dạy cho con”, chị Đỗ Uyên trải lòng.
Chị Uyên nói thêm: “Tôi quan niệm khi con đặt câu hỏi thì đó là một cơ hội để mình dạy con một cách tự nhiên nhất. Các trẻ cần được học đúng nhu cầu, đúng thời điểm, nếu không thì sẽ rất gượng gạo và không hiệu quả”.
Là người mẹ đơn thân, hiện nuôi hai đứa con nhỏ, chị Ngân Thùy (P.16, Q.11, TP.HCM) nhìn nhận cuộc đời chị đã gặp những sai lầm đáng tiếc, một phần do không được cha mẹ quan tâm. Rút kinh nghiệm bản thân, chị Thùy khẳng định: “Tôi sẽ không bao giờ né tránh việc giáo dục giới tính với con mình. Con nít bây giờ khôn lắm, đôi khi nó hỏi, mình chưa chắc trả lời được. Nhưng những gì không biết, tôi sẽ hỏi bác Gu-gồ”.

Tinh trùng phóng từ… dưới lên miệng!
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (phụ trách phòng tư vấn tâm lý một trường tiểu học tại Q.5, TP.HCM) cho biết: Trong quá trình giảng dạy về kỹ năng sống cho học sinh trong và ngoài TP.HCM, ông đã gặp nhiều tình huống cười ra nước mắt.
Thạc sĩ Huân kể: Sau khi tôi được mời dạy kỹ năng Tự bảo vệ bản thân cho hàng trăm học sinh, quản lý của một trường quốc tế nhận xét rằng ‘Thầy dạy rất hay và học trò rất thích bài học hôm nay. Nhưng chị thấy nội dung phòng chống xâm hại tình dục thầy đưa vào chưa phù hợp với học sinh tiểu học’. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên và trăn trở mãi, vì đó không phải là người duy nhất có suy nghĩ chủ quan như vậy.
Một trường hợp khác xảy ra trong một gia đình khiến ông Huân ấn tượng không kém. Cụ thể, một cậu con trai hỏi đứa em của mình: “Em biết làm sao để có em bé không?”. Đứa em nhanh nhảu: “À, để có em bé thì tinh trùng và trứng phải gặp nhau”. Lúc này, người mẹ hỏi xen vào: “Thế con biết tinh trùng và trứng gặp nhau như thế nào không?”. Người con trai lớn đáp: “Dạ, tinh trùng sẽ phóng từ dưới lên miệng ạ!”. Bà mẹ ngớ người, chưa kịp định thần thì cậu con trai nhỏ bồi thêm: “Ghê quá ha! Nghĩ sao mà phóng từ dưới lên miệng, sao không cho vào miệng ngay từ đầu?”.

Thạc sĩ Huân nhìn nhận nhà trường hiện có quan tâm hơn đến việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho học sinh. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn có những rào cản và hạn chế, nhất là việc giáo viên cần phải được "cởi trói" nhiều hơn trong nội dung giảng dạy.
Bên cạnh những trường chủ động mời báo cáo viên có kinh nghiệm, có chuyên môn chia sẻ về kiến thức giới tính thì theo ông Huân, vẫn còn những nơi cứ sử dụng "cây nhà lá vườn" nhằm đáp ứng đề nghị cấp thiết của phụ huynh, học sinh mà thiếu sự quan tâm nghiêm túc.
Trẻ bị xâm hại tình dục sống trong một nhà tạm lánh tại TP.HCM - Ảnh: Như Lịch

Cũng theo ông Huân, phần lớn gia đình, phụ huynh rất chú ý đến việc giáo dục giới tính cho con em mình. Tuy vậy, họ thường không biết bắt đầu từ đâu hoặc né tránh khi con đặt câu hỏi về giới tính.
“Hãy bắt đầu giáo dục giới tính càng sớm càng tốt và không có thời điểm nào được gọi là quá sớm. Chúng ta cần xác định rõ là giới tính không chỉ là tình dục. Vì vậy, giáo dục giới tính không đơn giản là dạy con về phòng chống xâm hại tình dục, hiểu về cơ quan sinh sản hay quan hệ tình dục an toàn... mà nó còn thể hiện tính cách, lời nói, hành vi... sao cho phù hợp với giới tính, với các mối quan hệ xung quanh”, thạc sĩ Lê Minh Huân nhấn mạnh.

Ông Huân cho rằng phụ huynh có thể tìm hiểu kiến thức về giới tính bằng nhiều cách: từ sách, báo, internet cho đến chuyên gia, bác sĩ... Ông nhắn nhủ: “Học trước khi chưa có con, chưa có gia đình càng tốt, chẳng ai dám cười mình cả! Đó là một sự chuẩn bị nghiêm túc, hữu ích để trở thành những ông bố, bà mẹ tuyệt vời đối với con cái trong tương lai”. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.