Không được về khi cha ruột qua đời
Một ngày cuối tháng 6, ông T. (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận được tin cha ruột vừa qua đời. Nhưng ông phải nuốt nước mắt vào lòng, không thể về nhà để chịu tang bởi đang là trưởng trung tâm in sao đề của ĐH Quốc gia TP.HCM, một trong những công việc bí mật nhất của kỳ tuyển sinh hằng năm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đối với trung tâm in sao đề lớn như ĐH Quốc gia TP.HCM, trước ngày thi cả tuần, tất cả nhân sự khoảng 30 - 40 người đã được triệu tập. Nhân sự sẽ chịu trách nhiệm ở 3 khâu chính: kỹ thuật in, dồn túi và kiểm dò. Có khoảng 6 - 8 máy in siêu tốc với tốc độ in đến khoảng 3.000 trang/giờ.
Kể từ khi vào trung tâm, thợ in và cán bộ in sao đề sẽ phải cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Trung tâm in sao đề có lực lượng công an với nhiều vòng bảo vệ để đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Có một điện thoại trực để nhận thông tin nhưng cài chế độ ghi âm tất cả mọi cuộc gọi. Khi có trường hợp đột xuất xảy ra như sửa đề thi, ban chỉ đạo thi phải trao văn bản, có sự chứng kiến của công an và có ghi âm cuộc tiếp xúc. Sau đó, người phụ trách liên hệ đưa văn bản vào trong.
tin liên quan
Đề thi được in sao, bảo mật như thế nào ?Năm nay, lần đầu tiên hàng loạt cán bộ, giảng viên trường ĐH di chuyển về địa phương để tổ chức thi THPT quốc gia. Các trường khẳng định chọn phương án in sao đề thi theo cách đảm bảo an toàn nhất.
Việc tập trung số lượng người như vậy dẫn đến có những điều rất nhỏ nhưng phải chú ý kỹ lưỡng. Chẳng hạn, tất cả rác bao gồm thức ăn, nước uống, rác sinh hoạt trong khoảng nửa tháng tập trung vào túi lớn, cột chặt miệng túi và để ở khu vực riêng chứ không được phép đưa ra ngoài.
Tỉ mỉ từng chi tiết
Trung tâm in sao đề phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Đầu tiên, đề thi chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào các khu vực để giao lại cho các trung tâm in sao.
Tại TP.HCM, người có trách nhiệm phụ trách trung tâm sẽ nhận đề thi ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM dưới sự chứng kiến của công an. Ngay lập tức, đề thi được vận chuyển về trung tâm in sao. Đề in ra được xếp lại đưa vào các túi. Sau đó đề được chuyển sang bộ phận kiểm dò gồm những tiến sĩ, thạc sĩ có chuyên môn để kiểm tra và phản hồi nếu có sai sót.
Có một điều khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác rất cao là dán nhãn trên túi đề. Đề thi được đưa trực tiếp đến từng điểm thi thành bó, có dấu niêm phong và nhãn trên túi. Nhãn này ghi rõ giao cho phòng số mấy, bao nhiêu đề, thuộc địa điểm thi nào… Những cán bộ in sao phải ngồi tính toán, ghi chép rõ ràng, tỉ mỉ để đảm bảo không có sai sót.
Có những chi tiết nhỏ nhưng cũng phải tính toán. Chẳng hạn túi đựng đề thi phải là giấy dai để cột thành bó, vận chuyển không bị rách. Các ngày thi cũng thường diễn ra vào mùa mưa, vì vậy phải tính xe nhận đề đậu ở đâu, cửa xe mở ra ngay khoảng nào để đề không ướt và giao nhận nhanh nhất lúc trời tối mù và mưa nặng hạt. Đến ngày thi, đề sẽ được giao cho các trường khoảng 4 giờ sáng.
tin liên quan
Đề thi THPT sẽ như thế nào?Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh) khẳng định các công tác coi thi, chấm thi... sẽ thực hiện bình đẳng và nghiêm túc giữa các loại cụm thi.
Những sự cố nhớ đời
Tuy quy trình in sao đề thi chặt chẽ như vậy nhưng vẫn xảy ra sự cố. Bao nhiêu năm trong Ban Chỉ đạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, trực tiếp nhận đề, liên hệ với trung tâm in sao đề thi, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa vẫn nhớ mãi sự cố giao nhầm đề thi tại Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai năm 2008.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa kể: “Khoảng 10 giờ sáng, tôi nhận được cuộc gọi từ Bộ GD-ĐT, đề nghị kiểm tra lại vì hình như đề có sai sót. Sau mới xác định rõ lý do: Thay vì dồn túi đề thi CĐ, nhân viên dồn túi lại xếp đề thi ĐH môn văn đã thi trước đó vào túi đề thi CĐ vì trên đề thi ĐH và CĐ thời điểm này đều sử dụng một dòng chữ chung là “Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ”. Kết quả là có tất cả hơn 320 thí sinh (TS) phải thi lại môn văn một buổi sau đó. Đây là lần duy nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ trước đến nay phải sử dụng đến đề thi dự bị.
Có năm đề thi tiếng Pháp của một số TS bỗng dưng thiếu vài dòng cuối đề thi. Mọi người suy đoán có thể đề thi tiếng Pháp quá ít TS nên thay vì làm bản mo rát rồi mới in ra thì cán bộ in sao đã in trực tiếp luôn từ máy. Vì vậy, có thể bộ nhớ máy bị tràn, dẫn đến thiếu vài dòng cuối ở một số đề thi. May mắn là sự việc được phát hiện ngay trong phòng thi và TS được hướng dẫn đổi đề khác đầy đủ hơn.
Chuyện lộ đề
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhớ lại: “Chuyện đề thi bị rò rỉ luôn được dư luận quan tâm nhiều nhất. Mà năm nào cũng có chuyện này. Tôi cứ phải đối diện với chuyện như thế.
Trong khi sự thật là Bộ luôn cam đoan đề thi không thể bị lộ. Có năm, trên mạng loan tin về hình ảnh đề thi ngay khi TS đang thi thì sự thật là đề thi năm trước. Có năm TS chưa ra đã xuất hiện bài giải, sau khi xác minh thì kết quả đây cũng là bài giải của đề thi năm trước, dùng để lừa phụ huynh. Căng nhất là năm 2013, khi TS đang làm bài, đề thi được đưa lên mạng với nghi vấn lộ đề trước 2/3 thời gian làm bài. Nhưng kết quả xác minh sau đó cho thấy đề thi này được chụp lại sau 2/3 thời gian”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Để có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chúng tôi luôn làm hết sức mình. Nhưng một kỳ thi khiến cả Bộ, các trường, TS, xã hội căng thẳng thì không cần thiết. Bộ không thể làm mãi việc tổ chức thi như vậy. Vài năm nữa thôi, các trường phải phối hợp, cộng tác nhau để tự tổ chức thi. Bộ chỉ ban hành quy chế thật chuẩn để các trường thực hiện. Mọi việc lúc này sẽ đơn giản hơn. Các trường phải chịu trách nhiệm nhưng không quá nặng nề vì phạm vi không rộng. Mọi sự cố xảy ra, nếu có, cũng không ảnh hưởng đến cả nước như hiện tại”.
|
Bình luận (0)