Bí mật trong phòng chấm thi trắc nghiệm

28/06/2017 10:02 GMT+7

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay trừ môn văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm nên đều chấm bằng máy. Kết quả chấm bằng máy liệu lúc nào cũng chính xác, có bao giờ xảy ra sự cố?...

Những tình huống máy cũng... chịu thua
Theo quy chế thi THPT và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, việc chấm thi có vài khâu khác với quy trình ở các năm trước. Ban chấm thi sẽ được tách ra 2 tổ tự luận và trắc nghiệm, có tổ trưởng phụ trách. Phải có công an đi kèm ở những khâu trọng yếu. Người tham gia chấm thi phải đảm bảo không mang tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến công việc vào khu vực chấm thi.
Một chuyên gia từng chấm thi cho biết khâu đầu tiên là bài thi được quét qua máy để nhận dạng phiếu, sau đó kiểm dò. Tiếp theo là lấy dữ liệu đã được quét đưa vào phần mềm để ra kết quả. Phiếu nào không thể hiện được qua hình ảnh sẽ đưa qua bộ phận chỉnh sửa phiếu. Khi chỉnh sửa phải có công an ngồi sau lưng người xử lý dữ liệu để giám sát, đảm bảo không có tiêu cực. Phần mềm xử lý chuyên biệt cũng đều lưu tất cả những gì được chỉnh sửa trước đó.
Mỗi lần chỉnh sửa, người thực hiện bắt buộc phải tuân theo một quy định là không được cầm... bút chì trên tay. Sau đó, nội dung chỉnh sửa phải được in ra biên bản, ký tên (có cả công an ký). Phần chỉnh sửa này được xử lý lần nữa, hết lỗi mới đưa đáp án vào chấm ra kết quả. Bộ phận kỹ thuật chỉnh sửa làm các công đoạn này cũng khá mệt mỏi, thường xuyên phải thay người để đảm bảo sự tập trung.
Các máy quét được áp dụng để chấm thi trắc nghiệm hiện nay tốc độ xử lý có thể lên đến vài trăm bài mỗi lần quét. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là khâu dễ xuất hiện lỗi nhất. Đầu tiên là lỗi về số báo danh. Nhiều thí sinh (TS) có số báo danh bắt đầu từ số 0, cứ nghĩ không có giá trị nên không viết vào. Đến khi máy quét, chạy dạng số sẽ không nhận dạng được. Hoặc TS tô sai mã đề, tô đáp án không rõ, mờ. Thậm chí, trên thực tế có nhiều TS còn gạch chéo câu trả lời. Máy quét cũng có thể không nhận diện được khi giấy bị cuốn, nhăn đầu bài thi.
Chấm máy không được, chuyển qua chấm tay
Vì vậy mới có sự cố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Một TS tại TP.HCM có 2,5 điểm môn tiếng Anh. Sau khi phúc khảo, chấm lại bằng máy, số điểm vẫn giữ nguyên. Nhưng khi chấm lại bằng tay, TS này được 10 điểm. Nguyên nhân sự cố hy hữu này được giải thích là giấy làm bài của TS ngắn hơn giấy khác khiến máy không nhận được!
Phần lớn các lỗi có thể chỉnh sửa và quét lại trên máy tính sau khi so sánh với bài làm gốc của TS. Nhưng có những bài thi không thể nào quét lại được vì máy không nhận diện nổi. Chẳng hạn, bài thi mắc lỗi... quá bẩn! Lỗi này xảy ra khi tay TS bẩn, khi làm bài lại tì mạnh tay lên giấy. Lúc này ban chấm thi phải lập hội đồng chấm tay bài của TS.
Phó phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết đây là lý do TS đi thi đều được dặn dò kỹ sử dụng bút chì 2B vì loại chì này có độ mịn và độ bóng tốt nhất. Kinh nghiệm cho thấy tô chì càng tốt, giấy càng sạch thì càng ít lỗi khi quét.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, kể lại có năm tất cả các bài trắc nghiệm đưa vào máy đều bị lỗi, không nhận diện được. Sau đó, lý do được xác định là do phiếu trả lời phát cho TS làm bài quá mỏng. Bộ phận kỹ thuật phải điều chỉnh lại độ nhạy của “mắt thần” để chấm.
Bí mật trong phòng chấm thi trắc nghiệm
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT kiểm tra dữ liệu từ máy quét chấm thi trắc nghiệm kỳ thi năm 2014 Ảnh: Đăng Nguyên
Nhiều khâu ngăn tiêu cực
Năm nay, để giám sát, Bộ GD-ĐT đề nghị mỗi trường ĐH cử ra 2 cán bộ thay Bộ làm công tác thanh tra việc chấm thi tại các địa phương. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết để đảm bảo không có tiêu cực, năm nay ngoài việc chấm thi 2 vòng còn thay đổi đánh số túi bài thi để người chấm đầu không thể “nhờ vả”, can thiệp với người chấm sau.
Khi quét, kiểm dò, sửa lỗi phải sử dụng phần mềm của Bộ GD-ĐT. Dữ liệu quét xong phải lưu vào 2 CD, niêm phong, có giám sát của công an. Một đĩa gửi cho trưởng ban chấm thi, một gửi ra cho Bộ. Chỉ sau khi gửi về Bộ, tổ xử lý mới được tiếp tục sử dụng dữ liệu để chấm. Khi chấm xong, toàn bộ phần lưu trữ dữ liệu được xuất ra phần mềm theo cấu trúc Bộ quy định. Dữ liệu này lại lưu thành 2 CD, niêm phong, có giám sát, gửi cho trưởng ban chấm thi và cho Bộ một lần nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa đang đi thanh tra công tác chấm thi các địa phương cũng cho biết hệ thống máy chấm trắc nghiệm của các địa phương khá hiện đại. Bộ còn có một quy định để bảo mật. Đó là hiện nay Bộ chưa công bố hướng dẫn chấm thi, barem cho điểm. Sau khi các sở GD-ĐT gửi dữ liệu quét bài thi lần đầu, Bộ mới chuyển các hướng dẫn này để tiếp tục chấm. Ngoài ra, các năm trước Bộ có quy định sẵn số điểm mỗi câu hỏi trong bài thi thì năm nay số điểm mỗi câu có thể khác nhau, chỉ có thể biết được khi Bộ gửi hướng dẫn chấm thi.
Tây Ninh tiết kiệm 500 triệu đồng tiền chấm thi
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT Tây Ninh), để đảm bảo an toàn và tránh sai sót, thay vì quét một lốc bài thi tối đa 500 phiếu thì mỗi lần chỉ quét 24 bài cho từng phòng thi và quét từng môn riêng biệt. Trước lo ngại sai sót trong quá trình chấm trắc nghiệm, ông Tài cho biết 10 năm thực hiện chấm trắc nghiệm tại địa phương này, chưa phát hiện trường hợp nào có điều chỉnh điểm sau phúc khảo. Việc báo lỗi có thể xảy ra trong quá trình quét bài thi mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi tô đáp án của TS nên máy không định vị được. Những lỗi này đều có thể xử lý được.
Ông Tài cho biết với trung bình khoảng 8.000 TS dự thi mỗi năm của tỉnh, việc chấm tự luận sẽ tiêu tốn khoảng 800 triệu đồng thù lao chấm thi. Rút xuống còn một môn tự luận năm nay dự kiến sẽ tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng.
Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.