Bình dị lớp học hạnh phúc

19/11/2018 09:11 GMT+7

Quan niệm thế nào là một lớp học hạnh phúc có muôn hình vạn trạng nhưng chỉ cần đến lớp học mang tên Hạnh Phúc của cô Nguyễn Thị Thanh Sương (tỉnh Tây Ninh) là có thể cảm nhận nghĩa bình dị nhất, đơn sơ nhất của định nghĩa này.

Biết khơi gợi cảm xúc của học trò
Trong một ngôi nhà nhỏ nằm trong những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo ở nội ô Tòa thánh Tây Ninh có một lớp học mang tên Hạnh Phúc với những giò lan đung đưa trước lớp và học sinh (HS) đến để học những điều hay ý đẹp, học rèn chữ, học viết văn với cô Thanh Sương. Ở TP.Tây Ninh, không biết bao nhiêu thế hệ HS đã đến đây luyện văn, rèn chữ.
Năm 1974, cô Sương bắt đầu đi dạy. Ngay từ khi học sư phạm văn, cô đã có tình yêu mãnh liệt với môn học này và với tiếng Việt. Đến khi đi dạy, cô truyền tình yêu của mình vào những bài học cho HS từ những tiết học ê a đầu tiên của lớp 1, đến khi nâng dần lên các lớp cao hơn ở Trường cấp 1 - cấp 2 Lý Tự Trọng.
Năm 1989, Trường Lý Tự Trọng chuyển thành trường cấp 2, còn cấp 1 của trường chuyển sang Trường tiểu học Thực nghiệm Hòa Thành. Cô Sương cùng một số giáo viên bộ môn khác tình nguyện dạy ở ngôi trường mới, và từ đó cái tên “Cô Sương dạy văn” trở nên nổi tiếng trong toàn tỉnh.
Năm 2005, cô Sương về hưu sau hơn 30 năm gắn bó với trường. Nhớ học trò, cô mở lớp ở nhà để dạy tiếng Việt, dạy viết văn, rèn chữ đẹp. Các phụ huynh lại chở con ào ạt đến xin học. Lớp học phải chia thành nhiều ca, nhiều buổi trong tuần. Không lớp học nào còn trống. Ở tuổi 66, cô Sương lại tìm thấy hạnh phúc với những lớp học nhỏ bé của mình. HS con công nhân, con em lao động, con nhà nghèo học miễn phí. Con của bác sĩ cứu người cũng miễn phí. Hằng năm, cô cũng bỏ tiền, vận động mạnh thường quân giúp đỡ những cựu giáo chức khó khăn trong tỉnh. “Không phải mình dạy hay đâu. Cái chính là mình biết khơi dậy cảm xúc của các em. Học tiếng Việt, học văn, rồi từ đó cũng học cách làm người”, cô Sương nói.
Giờ học làm người

Lớp học của cô Sương không dạy điều gì quá cao siêu. Cũng chỉ học tiếng, ghép vần, cách viết văn nhưng điều đặc biệt nhất của lớp học không phải ở phương pháp dạy hay lời giảng truyền cảm mà là cách cô dạy nhân cách sống cho HS. Cứ khoảng 10 phút cuối giờ học, cô Sương thường dành thời gian để dạy HS cách đi đứng, ăn uống, chào hỏi… Cô Sương cho biết cô dạy không có sách vở mà xuất phát từ những câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày của các em. Có bữa các em ngáp không che miệng, cô đưa vào bài “5 việc phải che miệng”: ho, xì, ngáp, xỉa răng, khạc nhổ. Có ngày các em đứng lên không kéo ghế vào bàn, cô dạy bài học về chuyện này. Có bữa có em bấm chuông cửa reng reng, cô đưa vào bài “văn hóa bấm chuông”. Các em để dép lung tung thì cô dạy tính cẩn thận, tự lập. Cứ như vậy cô hoàn thiện việc dạy của mình.
“Giúp cho các em phân biệt được điều hay lẽ phải là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc hơn là dạy các em rồi, vài bữa sau phụ huynh vô nói: “Học cô Sương con em có thay đổi”. Không phải bố mẹ không biết dạy con, nhưng nhiều khi bố mẹ gấp đưa con đi học nên việc chào hỏi ông bà, cha mẹ có phần qua loa, lấy lệ. Vì thế, cô bắt buộc con về phải khoanh tay, đứng trước ông bà, cha mẹ chào thưa lễ phép đàng hoàng. Ở lớp, HS xếp dép ngay ngắn, về nhà cũng phải như vậy. Cô có một tờ kiểm tra cho HS và ba mẹ. Ba mẹ cũng đánh dấu vào đó những việc con mình có làm đúng theo những điều cô dặn hay không. “Mình dạy các em, được các em và cả phụ huynh áp dụng trong cuộc sống đời thường mới là hạnh phúc”, cô Sương chia sẻ.
Cô Sương kể: “Vì sao cô đặt tên là lớp học Hạnh Phúc? Thứ nhất, khi về hưu, cô ao ước mở lớp để giúp HS yêu tiếng Việt, thích viết văn. Mình có kinh nghiệm, giúp được các em là điều hạnh phúc. Thứ hai, cô tuy lớn tuổi rồi nhưng vẫn còn sức khỏe phục vụ các em, phục vụ xã hội. Thứ ba là cách đây 4 năm, sau khi cùng cô trao quà tặng làm từ thiện, cô có vinh hạnh nói về nhân cách sống như trong lớp này cho khoảng 60 tổng giám đốc, giám đốc các công ty từ TP.HCM xuống. Khi đó, cô cảm thấy mình rất hạnh phúc vì họ rất tâm đắc những gì cô nói. Khi họ ra về, cô quyết định lấy tên Hạnh Phúc cho lớp học của mình”.
Cũng bảng đen, phấn trắng, cũng lớp học có tiếng học trò ê a mỗi buổi sáng, chiều, nhưng ở một góc nhỏ của một tỉnh giáp biên giới, có một cô giáo hạnh phúc và những đứa trẻ hạnh phúc trong một lớp học mang tên Hạnh Phúc.
Đi lên từ lớp học “vỉa hè”
Bên trong Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM) có lớp học dành cho những trẻ em nhà nghèo, khó khăn, bán vé số, lang thang cơ nhỡ... Trong lớp học này, có cô bé từng là nhân vật trong các bài báo về lớp học trên vỉa hè. Đó là cô bé bán vé số Bùi Ngọc Tú.
Tháng 5.2017, Báo Thanh Niên có một bài viết về “lớp học” đặc biệt trên đường phố. Đó là câu chuyện của 2 người tên Tú: anh Lê Hà Tú (27 tuổi, TP.HCM) và bé Bùi Ngọc Tú (9 tuổi, quê ở TP.Huế). Thầy là một nhân viên ngân hàng và trò là cô bé bán vé số chưa một lần đến trường. Hoàn cảnh khó khăn, Ngọc Tú được cả gia đình đưa từ Huế vào TP.HCM bán vé số. Ba mẹ làm công nhân ở Bình Dương, hai chị em Tú cùng bà nội ở lại thành phố kiếm sống. Còn “thầy” Hà Tú vào những giờ nghỉ trưa, thường ngồi cà phê vỉa hè trước trụ sở ngân hàng, nơi anh làm việc. Thấy bé Tú, dần dà nói chuyện rồi quen, rồi anh phát hiện bé Tú không biết chữ. Từ đó, anh dạy chữ cho bé Tú vào các buổi trưa nghỉ giải lao. Suốt nhiều tháng, “lớp học” vỉa hè cứ tiếp tục dù nắng hay mưa.
Sau đó, Quận đoàn Q.5 đã bảo lãnh cho bé Tú vào học ở Trường THCS Trần Bội Cơ. Cứ sau giờ bán vé số là bé Tú lại đến lớp đúng giờ. Bài tập về nhà khi nào cũng làm đầy đủ. Tú đã biết đọc chữ và tiến bộ rất nhanh.
Một hôm, đứng cùng anh Lê Hà Tú bên ngoài lớp học, chúng tôi thấy mắt anh lấp lánh niềm vui. “Lớp học trên vỉa hè không còn, nhưng bé Tú đã được đến một lớp học khác tốt hơn. Ở một ý nghĩa nào đó, cô bé ấy đang là một học sinh hạnh phúc”, anh Tú bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.