Nghỉ học, dừng các hoạt động ngoại khóa
Các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Ninh đều đã cho học sinh (HS) tạm nghỉ học từ ngày 28.1 hoặc 29.1 cho đến khi có thông báo mới.
Tại Hà Nội, tuy UBND TP chưa quyết định cho tất cả HS trên địa bàn nghỉ học nhưng một số trường như: Phổ thông liên cấp Vinschool tại khu đô thị Times City, THPT Phan Đình Phùng đã cho HS nghỉ từ ngày 29.1 do có 1 HS và 2 phụ huynh trong diện F1 và nhiều trường hợp diện F2. Các thông báo tiếp theo về việc đi học trở lại sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm của các trường hợp F1, F2.
Đến ngày 29.1, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy một loạt trường ở Hà Nội đã quyết định dừng các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa hoặc chỉ tổ chức đơn giản hơn ở quy mô từng lớp học...
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã có văn bản yêu cầu các trường tăng cường phòng chống dịch, trong đó nêu rõ: “Trong thời gian này, các trường không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người. Tạm dừng các hoạt động tham quan, ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo cho HS”.
Nhiều trường ở TP.HCM hủy bỏ các hoạt động tụ tập đông người, văn nghệ chào xuân, ngoại khóa... và nghiêm ngặt tổ chức các biện pháp phòng dịch cho HS.
Là một trong những trường có ca F1 và phải cho HS nghỉ học 2 tuần để phòng bệnh vào đầu tháng 12.2020, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Văn Tần (Q.6, TP.HCM), cho biết từ đó tới nay trường luôn trong tình trạng thực hiện phòng bệnh ở mức cao nhất. “Trường tạm hoãn các hoạt động hội xuân, hạn chế tụ tập mà thay vào đó chương trình sẽ được tổ chức ở từng lớp, còn hoạt động văn nghệ bị hủy bỏ”, bà Hằng cho biết.
Tương tự, bà Phạm Lê Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh), cũng cho biết các hoạt động trong trường sẽ bám sát chỉ đạo của Sở GD-ĐT, và theo dõi sát tình hình thực tế dịch bệnh để có điều chỉnh phù hợp.
Trong khi đó, trong ngày 29.1, Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã ra thông báo hủy hết tất cả các hoạt động đông người, cho HS nghỉ tết sớm để đảm bảo an toàn. Trường cũng chủ động thực hiện giãn cách, đối với chương trình sơ kết học kỳ 1 mỗi lớp chỉ cho tối đa 10 em tham gia, đồng thời yêu cầu HS phải đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách an toàn khi tham gia.
Khởi động hệ thống học trực tuyến
Các trường tại Hà Nội đều cho biết đã sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến nếu phải tiếp tục nghỉ học. Trường THCS Ngoại ngữ và THPT chuyên ngoại ngữ thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã quyết định cho HS ở nhà và học trực tuyến vào ngày 29.1 cho đến khi có thông báo mới.
Còn tại TP.HCM, các trường cũng trong tư thế sẵn sàng kích hoạt học trực tuyến. Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay trong suốt một năm vừa qua nhà trường luôn trong tâm thế sẵn sàng chống dịch. Giáo viên (GV) và HS luôn trong tư thế sẵn sàng nếu dịch bệnh bùng phát sẽ chuyển đổi hình thức học tập. Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Hữu Huân cũng cho hay hiện nay dù đang học theo hình thức truyền thống nhưng trường vẫn khuyến khích GV duy trì nền nếp sinh hoạt trực tuyến để HS không mất thời gian làm quen, bỡ ngỡ nếu tình huống khẩn cấp, bất ngờ xảy ra như năm học trước.
Còn bà Lê Hồng Anh, Hiệu phó Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8) thông tin theo kế hoạch trong tuần tới, nhà trường tổ chức các hoạt động lễ hội mùa xuân nên phải nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch. Đồng thời đã có những hướng dẫn đến GV các nội dung liên quan đến học trực tuyến ngay từ đầu năm nên thời điểm này bắt đầu khởi động lại.
Chỉ còn đúng một tuần nữa là HS TP.HCM bắt đầu nghỉ tết và tình hình dịch bệnh không thể lường trước nên ông Phan Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Colette (Q.3), cho hay ngay sáng 29.1 nhà trường đã kích hoạt hệ thống học trực tuyến để sau nghỉ tết, nếu tình huống bất ngờ xảy ra thì các em không gián đoạn việc học.
Có 2 tuần dự trữ trong năm học
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 29.1, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết dịch bệnh xảy ra lần này các địa phương không bị động và lúng túng trong việc quyết định cho HS nghỉ học cũng như chuyển sang học trực tuyến. Các cơ sở GD-ĐT tiếp tục áp dụng một loạt các văn bản mà Bộ GD-ĐT đã ban hành khi dịch bệnh xảy ra ở năm học trước để phòng ngừa dịch bệnh và chủ động thay đổi kế hoạch giáo dục ở mỗi địa phương, nhà trường. Theo ông Thành, các sở GD-ĐT sẽ hiểu rõ nhất việc HS của mình có nên tiếp tục đến trường hay nghỉ học và tham mưu cho địa phương quyết định việc này.
Ông Thành cho biết tinh thần của Bộ GD-ĐT là khi đã cho HS nghỉ học thì các cơ sở giáo dục phải tiến hành ngay việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục của từng nhà trường, từng địa phương; thông báo cho người học việc chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; có biện pháp để thường xuyên gắn kết với HS, cha mẹ HS để đảm bảo cho HS tiếp tục được học tập khi phải ở nhà.
Ông Thành cho biết một số địa phương có dịch như Quảng Ninh và Hải Dương chưa có đề xuất về việc thay đổi kế hoạch thời gian năm học. Các địa phương đều cho biết đã sẵn sàng trong trường hợp cần thiết thì sẽ chuyển sang dạy, học trực tuyến hoặc học từ xa qua truyền hình…
Về khung kế hoạch thời gian năm học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành, ông Thành nói “đến thời điểm này chưa đến mức độ phải điều chỉnh”. Khung kế hoạch thời gian năm học hiện hành đã có 2 tuần dự phòng để có thể dùng đến khi gặp các trường hợp như thiên tai, dịch bệnh.
Ông Thành cho biết Bộ GD-ĐT đang soạn thảo và sớm ban hành văn bản hướng dẫn để các cơ sở GD-ĐT chủ động thực hiện công tác phòng dịch và điều chỉnh kế hoạch dạy học trong thời gian trước mắt. Về lâu dài, căn cứ tình hình dịch bệnh, Bộ sẽ có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời.
Trước đó, đêm 28.1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở GD-ĐT.
Bình luận (0)