Bộ GD-ĐT giải thích lý do 'vừa thẩm định vừa biên soạn SGK'

29/09/2018 12:51 GMT+7

Trong thời gian vừa qua, dư luận có nhiều thắc mắc về việc Bộ GD-ĐT cùng lúc thực hiện một bộ SGK đồng thời với các tổ chức, cá nhân khi áp dụng 'một chương trình, nhiều SGK'.

Một số ý kiến cũng lo ngại việc các địa phương sẽ “ưu tiên” dùng SGK của Bộ GD-ĐT biên soạn.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Nhiều người nghĩ các nơi sẽ 'ưu tiên' sử dụng bộ sách do Bộ GD-ĐT chủ trì để 'đẹp lòng' Bộ chứ không sử dụng bộ SGK khác. Nhưng phải nói rõ, Bộ chỉ chủ trì, tổ chức biên soạn. Quy trình biên soạn SGK của Bộ vẫn phải có Hội đồng QG thẩm định, vẫn phải có những người đáp ứng quy định, vẫn phải có một NXB đứng ra tổ chức biên tập, làm bản thảo, đưa ra thẩm định. Thật ra, tất cả đơn vị, tổ chức, cá nhân nào mà Bộ trưởng phê duyệt biên soạn SGK thì đều là 'của Bộ'. Chỉ là làm sao về nội dung, kiến thức đều phải đáp ứng nhu cầu của nhân dân”, ông Thành cho biết.

Ngày 29.9, trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, cho biết ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là không đúng.

“Tại sao Quốc hội giao cho Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK? Vì nếu để cho các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đến khi triển khai chương trình mới, không thể đảm bảo có đầy đủ SGK tất cả các môn, tất cả các cấp học. Vì vậy, cần phải chủ động, tránh rủi ro khi thực hiện”, ông Thuyết cho biết.

Ông Thuyết cũng cho biết trong việc này, không phải lãnh đạo Bộ, cán bộ các Vụ, Cục đứng ra viết SGK. Lãnh đạo Bộ chỉ đứng ra tổ chức các tổ chức, cá nhân biên soạn. Bộ cũng đứng ra thành lập các Hội đồng thẩm định quốc gia. SGK của Bộ cũng được thẩm định khách quan, công bằng như SGK của các tổ chức, cá nhân khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.