Bộ GD-ĐT mới ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, giảm tải ở hầu hết các môn học cho học sinh ở cấp THCS, THPT.
Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), giải thích việc điều chỉnh nội dung dạy học này nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và bảo đảm thực hiện chương trình trong điều kiện dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nguyên tắc khi thực hiện điều chỉnh lần này là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục.
Văn bản của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ: “Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn: không dạy; đọc thêm; không làm; không thực hiện; không yêu cầu; khuyến khích học sinh tự đọc; khuyến khích học sinh tự đọc; khuyến khích học sinh tự làm; khuyến khích học sinh tự thực hiện”. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại, Bộ GD-ĐT yêu cầu tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 5842 (ban hành từ năm 2011) về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông.
Đối với các môn học theo chương trình nâng cao ở cấp THPT và các lớp học theo mô hình trường học mới, cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào hướng dẫn tại công văn này để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp.
Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học mới, Sở GD-ĐT các tỉnh sẽ chỉ đạo cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và cơ sở giáo dục.
Tinh giản nội dung, giảm 2 tuần thực học
Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT giảm thời gian thực học ở cấp trung học từ 37 tuần xuống còn 35 tuần. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) giải thích: Bộ không giảm thời gian năm học một cách cơ học mà phải có giải pháp đồng bộ để giảm được 2 tuần thực học, dù học 35 tuần không quá tải mà còn hiệu quả hơn.
Giải pháp bắt buộc trước hết là phải tinh giản nội dung, tạo cơ hội cho đổi mới phương pháp dạy học, tăng thực hành, trải nghiệm cho học sinh.
Việc tinh giản này khác với học kỳ 2 của năm học vừa qua khi Bộ buộc phải tinh giản chương trình để phù hợp với số thời gian thực học bị giảm vì dịch Covid-19.
Nhưng trong điều kiện bình thường thì thời gian không bị co lại, các trường vẫn có 35 tuần thực học nhưng vẫn tinh giản nội dung đi, để có thêm thời gian hoạt động bổ trợ ngoài dạy học trên lớp.
Việc tinh giản áp dụng theo nhiều cách, trong đó sẽ sắp xếp, thiết kế lại, tăng tích hợp, bỏ những nội dung trùng lặp, không phù hợp, cũng giúp tiết kiệm được thời gian dạy học.
|
Bình luận (0)