Bộ GD-ĐT vẫn muốn cải thiện lương giáo viên

29/03/2018 07:41 GMT+7

Vấn đề đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục; vị thế, chất lượng của giáo viên; lùm xùm quanh việc xét duyệt giáo sư, phó giáo sư; các tổ hợp xét tuyển 'lạ'... là những vấn đề Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ GD-ĐT khẩn trương giải quyết.

Sáng 28.3, Tổ công tác của Thủ tướng do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT. Tại đây, những vấn đề “nóng” của ngành GD-ĐT thời gian qua đã được thảo luận.
Quan tâm lương GV trong đề án cải cách, đổi mới lương
Vấn đề đội ngũ giáo viên (GV), sự kiện 500 GV hợp đồng ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ mất việc làm, có những GV hợp đồng hơn 10 năm vẫn không được nhận chính thức..., ông Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng cho biết đây không phải là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT nhưng Bộ cần quan tâm và đề xuất giải pháp. Thực trạng khủng hoảng thừa GV cần có định hướng chỉ đạo ở tầm vĩ mô, tránh tình trạng lợi dụng cơ chế để "chạy" hợp đồng, "chạy" biên chế.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ luôn “đau đáu” với vấn đề đội ngũ GV. Thời gian qua, Bộ đã làm việc với 63 tỉnh thành, rà soát lại toàn bộ cơ cấu đội ngũ GV hiện có để thực hiện chủ trương đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu sử dụng. Kiên quyết khắc phục tình trạng không gắn với nhu cầu sử dụng, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm từ mùa tuyển sinh năm nay.
Ông Nhạ chia sẻ, qua quá trình khảo sát thì điều hấp dẫn người giỏi vào sư phạm là mối quan tâm học xong có việc làm hay không, về chế độ đãi ngộ, vị thế trong xã hội. Do đó, ngành GD-ĐT đang rất khó khăn vì không phải cơ quan quyết định những vấn đề đó.
Về vấn đề lương GV, ông Nhạ cho biết vừa qua Chính phủ và các bộ, ngành cũng rất quan tâm tới việc này, vấn đề chỉ là phương thức để thực hiện được việc cải thiện về lương GV. Hy vọng trong đề án cải cách, đổi mới tiền lương tới đây thì lương của GV sẽ được quan tâm. Còn ưu đãi đến mức độ nào thì Chính phủ sẽ có xem xét tổng thể. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên định với chủ trương phải cải thiện lương của GV”, ông Nhạ khẳng định.
Ông Nhạ cho biết thêm, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu xây dựng luật GV để làm thế nào vị thế, trách nhiệm và quyền lợi của GV phải đúng với nhiệm vụ cao quý là dạy người.
Chỉ công nhận ứng viên GS, PGS đủ điều kiện
Xung quanh vấn đề công nhận chức danh GS, PGS, với 95 ứng viên có đơn thư nên Hội đồng chức danh GS nhà nước đang phải xem xét, rà soát lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng dẫn ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải giải trình công khai kết quả rà soát để dư luận hiểu đúng và đầy đủ vấn đề.
Tiến sĩ Trần Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng ồn ào quanh việc công nhận GS, PGS năm 2017 thực ra là "giọt nước tràn ly". "Nhân việc này, Bộ GD-ĐT phải làm lại, thay đổi căn bản việc xét công nhận GS, PGS. Coi đây là cơ hội để thay đổi căn bản, phải thành lập một nhóm chuyên gia độc lập, rà soát lại tất cả mọi thứ, kiến nghị một cách làm mới", ông Cung nói.
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ cho rằng có hiện tượng các hội đồng sàng và lọc chưa chuẩn. Do vậy, Hội đồng chức danh GS, PGS nhà nước đã yêu cầu phải rà soát lại. Hội đồng đã thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra, không chỉ làm việc với từng hội đồng ngành mà thậm chí còn làm việc, đối thoại trực tiếp với từng ứng viên để đôi bên “tâm phục, khẩu phục”.
Ông Nhạ cho biết, theo kế hoạch, ngày 31.3 công tác thanh tra, kiểm tra sẽ kết thúc và công bố kết quả một cách công khai, minh bạch. “Dứt khoát chỉ công nhận những ứng viên đủ điều kiện, ứng viên nào không đủ điều kiện thì không công nhận, bất kể đó là ai”, ông Nhạ nói.
Thanh tra, xử lý các trường có tổ hợp xét tuyển “lạ”
Về tổ hợp xét tuyển ĐH khác “lạ” gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, ông Mai Tiến Dũng dẫn lời Thủ tướng lưu ý Bộ cần cân nhắc xem xét kỹ. Tránh việc chạy theo việc tăng số lượng người học mà không quan tâm tới chất lượng, không đáp ứng yêu cầu đặt ra với đầu vào bậc ĐH.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết về cơ sở pháp lý đã có nên khi phát hiện những trường có xây dựng các “tổ hợp lạ”, Bộ sẽ trao đổi và thông báo chính thức quan điểm của Bộ về vấn đề này. Nếu trường nào không thực hiện nghiêm túc, thời gian tới Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định nhằm đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo.
Giải quyết mạnh việc ép giáo viên quỳ gối
Về những vụ việc gây nhức nhối trong xã hội gần đây liên quan đến phẩm chất và danh dự của nhà giáo liên tục xảy ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng nhắc nhở Bộ phải có cảnh báo, lên tiếng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn dứt điểm tình trạng này.
Bộ trưởng Nhạ khẳng định, tới đây Bộ sẽ chỉ đạo giải quyết rất mạnh vấn đề này, coi đây là vấn đề ưu tiên với bậc phổ thông. Tuy nhiên theo ông Nhạ, đây là vấn đề có tính chất xã hội nên cần có thời gian, bên cạnh cố gắng của ngành về dạy kiến thức thì cũng cần dành thời gian, tăng cường dạy người.
Đầu tư cho giáo dục trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng
Tại buổi làm việc, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng nhiều ý kiến đề nghị kinh doanh GD-ĐT phải thay đổi mạnh mẽ theo hướng mở của nền kinh tế thị trường; nhưng trong giáo dục có tính đặc thù, kinh doanh có điều kiện chứ không thể giống kinh doanh trong lĩnh vực khác.
Điều kiện thành lập và hoạt động của nhà trường, có những trường hợp không áp được vào ngành nghề kinh doanh khác. Có những trường xây xong nhưng chưa đủ điều kiện về người thầy vẫn giao cho hoạt động, ảnh hưởng tới hàng loạt học sinh, sinh viên. Không thể giải tán trường học đơn giản như giải tán một doanh nghiệp.
Theo ông Nhạ, trường học không thể kinh doanh như doanh nghiệp, nếu chúng ta quá thoáng trong việc mở cửa cho các nhà đầu tư kinh doanh giáo dục mà không có điều kiện đảm bảo chất lượng thì hậu quả liên quan đến con người rất đáng lo ngại. Do vậy, không thể cắt giảm một cách cơ học, nhưng Bộ sẽ quyết liệt để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giáo dục trên nguyên tắc tiên quyết phải đảm bảo chất lượng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã quyết liệt nhưng đề nghị phải thực chất hơn. Muốn xã hội hóa được giáo dục, đầu tư vào những lĩnh vực giáo dục, cấp học mà nhà nước không cần đầu tư thì cần sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.