Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học: Giáo viên mừng rơi nước mắt

30/11/2020 16:27 GMT+7

'Có người bán thóc, bán lúa để lấy tiền ôn rồi thi lấy chứng chỉ. Rồi lỡ mất cả cơ hội vào biên chế chỉ vì một cái chứng chỉ. Bỏ được quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chúng tôi mừng rơi nước mắt'.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn (Bình Định) sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về lộ trình bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên.

Chứng chỉ mang tính hình thức

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay đã làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên. Dự kiến tháng 12.2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này. Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

Ngay sau khi thông tin này được phát đi, hầu hết giáo viên bày tỏ sự đồng tình và vui mừng trước thay đổi này. Giáo viên cho rằng, năng lực ngoại ngữ và tin học là cần thiết khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng cách quy định như thời gian qua vô hình chung khiến việc bổ túc chứng chỉ mang tình hình thức chứ không có giá trị về nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Một giáo viên bậc THPT tại Q.3, cho biết để không ảnh hưởng đến việc dạy, đã đi học tin học để lấy chứng chi theo yêu cầu vào các ngày cuối tuần ròng rã trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên giáo viên này nói rằng việc đi học, việc lấy chứng chỉ chỉ mang tính hình thức, phục vụ cho mục đích bổ túc hồ sơ chứ không giúp giáo viên nâng cao kỹ năng để bổ túc nghề nghiệp.

Theo lý giải của giáo viên nói trên, thông thường giáo viên cần kỹ năng về Power Point, Microsoft Office… Thế nhưng học đề lấy chứng chỉ tin học chỉ là các kiến thức tin học văn phòng chứ không dành riêng cho giáo viên.

"Chứng chỉ tin học, ngoại ngữ làm khổ không biết bao nhiêu giáo viên"

Giáo viên lịch sử Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho biết bản thân đã học thạc sĩ nên đã đảm bảo yêu cầu về trình độ ngoại ngữ nên chỉ cần bổ túc chứng chỉ tin học. Cũng theo giáo viên này thì việc học chứng chỉ tin học có phần nhẹ nhàng hơn, còn ngoại ngữ thì cần phải có một quá trình chứ khó mà học ngày một ngày hai, nhất là với giáo viên không còn trẻ.

Đồng tình với nhận định trên, hiệu trưởng một trường tiểu học tại trung tâm Q.1 (TP.HCM), cho rằng giáo viên của trường đã hoàn tất chứng chỉ tin học. Còn chứng chỉ ngoại ngữ thì còn khoảng 40% giáo viên chưa đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, khi nghe thông tin về việc thay đổi những quy định về chứng chỉ kỹ năng này, giáo viên rất phấn khởi.

Giáo viên Nguyễn Thị Hồng, dạy ngữ văn bậc THCS tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), chia sẻ: “12 năm học phổ thông, rồi 4 năm học ĐH chúng tôi đã được đào tạo nhiều kỹ năng tin học, trình độ tiếng Anh ở nhiều cấp độ khác nhau. Các chứng chỉ tiếng Anh, tin học đã làm khổ không biết bao nhiêu thế hệ giáo viên, đồng nghiệp, bạn bè, anh chị em của tôi. Có người em tôi ở quê, con mới đẻ được vài tháng đã phải gửi con cho ông bà, đi lên thị xã học rồi thi các chứng chỉ. Báo chí cũng phản ánh, có nơi thi chứng chỉ rất dễ, nộp tiền là “bao đậu”, có nơi thì rất nghiêm ngặt, học, ôn thi nhiều lần, vẫn rớt, lại nộp tiền ôn rồi học, rồi thi tiếp. Có người bán thóc, bán lúa để lấy tiền ôn rồi thi. Rồi lỡ mất cả cơ hội vào biên chế chỉ vì một cái chứng chỉ. Bỏ được quy định chứng chỉ, chúng tôi mừng rơi nước mắt”.

Bên cạnh đó, giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng bỏ yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không có nghĩa là giáo viên “lơ” luôn 2 kỹ năng này. Thực tế đòi hỏi giáo viên cần có sự chủ động nâng cao năng lực nghề nghiệp. Và để không còn những yêu cầu mang tính hình thức thì những kỹ năng này nên đưa vào chương trình đào tạo chính quy của trường sư phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.