Bối rối cơ chế đặc thù đào tạo các ngành hút nhân lực

01/10/2018 09:14 GMT+7

Dù đã trải qua gần một năm Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH có cơ chế đào tạo đặc thù nhân lực ngành du lịch và công nghệ thông tin nhưng thực tế triển khai gần như chưa có kết quả.

Năm ngoái, Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Cụ thể là khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác được chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch. Chỉ tiêu và điều kiện tiếp nhận do các trường quy định theo hướng phù hợp với thị trường lao động và sự tự nguyện của người học.
Để tạo cơ chế ưu tiên đặc biệt, Bộ cũng khuyến khích các trường thực hiện hình thức đào tạo văn bằng thứ hai ngành du lịch. Điều kiện bắt buộc để hưởng cơ chế đặc thù này là các trường ĐH phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Riêng thời gian đào tạo tại các doanh nghiệp không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, đến thời điểm này các trường ĐH vẫn chưa thể triển khai do gặp nhiều vướng mắc. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho biết trường đã gửi đề án ra Bộ nhưng hiện đang bị tắc do vướng ở mô hình liên kết giữa trường công với doanh nghiệp.
Thạc sĩ Tùng nói trước khi trình đề án, trường đã ký kết hợp tác với một tập đoàn khách sạn 5 sao. Theo dự thảo đề án, hai bên sẽ hợp tác mở ngành quản trị khách sạn đào tạo theo chương trình tiên tiến chất lượng cao. Trong đó có sử dụng một phần cơ sở của trường để thành lập nhà hàng và khách sạn mẫu cho sinh viên thực hành.
Ngành này dự kiến có 3 chuyên ngành gồm: quản trị khách sạn, quản trị nhân sự và quản trị nhà hàng ăn uống (dự kiến tuyển mỗi năm 50 chỉ tiêu). Tuy nhiên, đề án hiện chưa được thông qua vì hệ thống các trường công hiện nay chưa từng có mô hình liên kết với doanh nghiệp bên ngoài.
Trước cơ chế đặc thù này, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết hiện chỉ tăng chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy tập trung cho ngành du lịch hơn 50 người so với trước đó.
Song song với ngành du lịch, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở ĐH khẩn trương triển khai xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trình độ ĐH, cụ thể cho phép sinh viên ngành khác chuyển sang học các ngành thuộc lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hiện ở một số trường không triển khai được hình thức này. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường không ra được quy định cho phép sinh viên chuyển từ ngành khác sang ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin.
Điều này có 2 lý do, trước hết vì chỉ tiêu mỗi ngành đã được xác định dựa trên năng lực đào tạo. Nếu cho phép chuyển ngành sau khi tuyển sinh, số người chuyển quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng lực đào tạo ngành được chuyển đến. Hơn nữa, việc tuyển sinh còn quy định điểm chuẩn từng ngành, trong khi nhóm ngành công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất trường nên việc sinh viên ngành khác chuyển qua sẽ không phù hợp.
“Tuy nhiên, do trường đào tạo theo tín chỉ, việc học song bằng hoặc bằng 2 rất đơn giản nên sinh viên có nhiều lựa chọn khác”, ông Thắng cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.