Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở !

18/03/2020 07:27 GMT+7

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa , Giáo dục , Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, có cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh các kiến nghị thay đổi về thi THPT quốc gia do ảnh hưởng dịch bệnh.

Đề xuất bỏ bớt môn thi cần được xem xét

Thưa ông, nhiều ý kiến đã đề xuất thay đổi cách thức thi THPT quốc gia vì học sinh (HS) phải nghỉ học do dịch bệnh Covid-19. Theo ông, Bộ GD-ĐT có thể quyết định được việc này không, hay phải xin ý kiến Quốc hội hoặc sửa luật Giáo dục?
Thứ nhất, chúng ta đang thực hiện luật Giáo dục hiện hành, luật Giáo dục 2019 đến tháng 7.2020 mới có hiệu lực thi hành. Theo luật Giáo dục hiện hành, việc công nhận tốt nghiệp THPT không quy định hình thức thi thế nào mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT quyết định. Thực tế những năm qua, Bộ GD-ĐT đã làm việc này có hiệu quả, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT.
Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở !1

Ông Phạm Tất Thắng

Ảnh: Ngọc Thắng

Thứ hai, về nguyên tắc, Bộ GD-ĐT có thể hướng dẫn nhưng hướng dẫn như thế nào là việc cần phải tính toán rất kỹ lưỡng. Ví dụ lâu nay chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia gắn với việc dùng kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ… Thực tế phần lớn các trường ĐH đang dùng kết quả đó để tuyển sinh, các trường tuyển sinh riêng hoặc kết hợp thêm các hình thức khác để tuyển sinh thì không nhiều.
Do vậy, nếu năm nay thay đổi kỳ thi THPT quốc gia thì có ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ hay không? Nếu ra quyết định vào thời điểm này thì liệu các trường ĐH, CĐ có kịp thay đổi phương thức tuyển sinh hay không? Bộ GD-ĐT sẽ phải tính toán vấn đề này.
Thứ ba, yêu cầu đặt ra về việc điều chỉnh theo hướng tinh giản chương trình. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được trong thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Khung chương trình như thế, thời gian như vậy, ngành GD-ĐT hoàn toàn có thể hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục, căn cứ vào tình hình thực tế như hiện nay; căn cứ thời gian thực học, thời gian cần phải kết thúc năm học... Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể tinh giản chương trình, chuyển một số nội dung trong chương trình từ học trực tiếp sang học trực tuyến hoặc tự học có hướng dẫn… Về nguyên tắc, học gì thi nấy, việc ra đề thi là quyền chủ động của ngành GD-ĐT nên những phần tinh giản không đưa vào nội dung đề thi.
Theo ông, những đề xuất như cắt bớt một số môn thi, đưa kỳ thi về các nhà trường… có phù hợp không; nếu được thực hiện thì nó có ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục, chất lượng đầu ra của HS THPT năm học này hay không?
Các đề xuất điều chỉnh thi THPT quốc gia đều có cơ sở !

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tôi thấy rằng mỗi đề xuất ấy đều thể hiện trách nhiệm của các nhà giáo và có cơ sở nhất định về thực tiễn, đều cần được xem xét. Rõ ràng, dịch bệnh xảy đến là bất khả kháng, các nhà trường hoàn toàn bị động và việc nghỉ học không thể tránh khỏi. Tất cả đều vì an toàn, sức khỏe của HS, sinh viên lên hàng đầu.
Việc đề nghị bỏ một số môn thi, theo tôi cũng là đề xuất có cơ sở mà Bộ GD-ĐT có thể cân nhắc và xem xét vì luật không quy định thi bao nhiêu môn. Bộ hoàn toàn có thể căn cứ vào tình hình thực tế đặc biệt của năm nay để điều chỉnh chương trình, tổ chức hình thức thi cử sao cho phù hợp.

Đã đến lúc các trường ĐH phải tự chủ tuyển sinh

Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề, nhân bối cảnh này các trường ĐH cần phải phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó có việc tự chủ tuyển sinh thay vì cứ “bám” vào kỳ thi THPT quốc gia như lâu nay?
Tôi thấy ý kiến như vậy là hoàn toàn đúng. Thực tế luật Giáo dục ĐH lâu nay đã trao cho các trường quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, quyền này chưa được các trường ĐH vận dụng rộng rãi và mạnh mẽ, thể hiện ở chỗ phần lớn các trường vẫn dựa vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển; những trường có hình thức thi riêng và xét tuyển bổ sung không nhiều. Do vậy, tôi cho rằng bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo dục phổ thông như hiện nay thì các trường ĐH cũng cần phải có ứng phó cho phù hợp. Đây là cơ hội để các trường thực hiện quyền tự chủ mà pháp luật đã trao cho mình, trước hết là trong tuyển sinh; nó cũng giúp cho Bộ GD-ĐT linh hoạt hơn trong hướng dẫn tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT.
Dịch bệnh khiến nhiều trường học chưa thể mở cửa trở lại cũng đặt ra một vấn đề là nếu chúng ta tổ chức được kỳ thi THPT nhiều lần trong một năm hoặc thi trên máy tính… thì việc thi vào thời điểm nào không đặt ra quá nặng nề như bây giờ. Theo ông, việc này có nên sớm thực thi?
Cá nhân tôi thấy đó là một xu hướng tất yếu và Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị để thực hiện được cách làm này. Việc thực hiện tổ chức thi như thế nào, thi mấy lần trong một năm, thi trên giấy hay thi trên máy... hoàn toàn thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ GD-ĐT.
Thi như hiện nay chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định, ngành GD-ĐT cũng đề xuất khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì cách thức thi cử, đánh giá… cũng phải thay đổi phù hợp với yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Việc xảy ra dịch bệnh như thế này là một thách thức, nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là cơ hội đặt ra yêu cầu buộc chúng ta phải thay đổi, như ở trên nói là quyền chủ động của trường ĐH trong tuyển sinh; ngành GD-ĐT và các nhà trường phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đánh giá, thi cử để vừa phù hợp tình hình thực tế, vừa theo được xu thế phát triển chung. Mặc dù việc các trường ĐH sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, về mặt lý thuyết, cũng có thể coi là việc họ đã sử dụng quyền tự chủ trong lựa chọn phương thức tuyển sinh của mình"
Bộ GD-ĐT vẫn giữ phương thức thi, “giảm tải” về đề thi
Cuối giờ chiều 17.3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, thay mặt Bộ GD-ĐT trả lời chính thức về cách thức thi THPT quốc gia năm nay. Về việc một số chuyên gia giáo dục có đề xuất cắt/giảm số môn thi, ông Mai Văn Trinh cho biết: Thực hiện Kết luận số 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định trong giai đoạn 2017 - 2020. Kết quả của kỳ thi được sử dụng để: xét công nhận tốt nghiệp THPT; đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương; làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
“Trên thực tế, tuyệt đại đa số các trường ĐH đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau”, ông Trinh cho biết.
Ông Trinh khẳng định: “Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể là: nghiên cứu giảm tải chương trình; Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi phù hợp; do vậy giáo viên và HS không quá lo lắng”.
Ý kiến
Ổn định và công bố quy chế thi sớm, rõ ràng
Thi THPT quốc gia là phương án phù hợp vì không chỉ công nhận tốt nghiệp mà còn là cơ sở để xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, Bộ cần công bố quy chế thi, tuyển sinh ĐH - CĐ trong thời gian này để HS yên tâm. Có những hướng dẫn cụ thể về nội dung thi, công bố rõ ràng nội dung kiến thức bao gồm kiến thức của bậc THPT hay kiến thức của lớp 12.
Thêm vào đó, cần có đề minh họa sớm để HS có thể tận dụng thời gian này tự ôn luyện.
Phạm Phương Bình (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Nên điều chỉnh, giới hạn lại kiến thức
Vì là căn cứ để các trường ĐH xét tuyển đầu vào nên giữ ổn định hình thức thi THPT quốc gia là thích hợp. Do tác động của dịch bệnh dẫn đến ảnh hưởng quá trình học tập liên tục của HS cùng với áp lực về thời gian nên Bộ cần điều chỉnh và giới hạn lại kiến thức trọng tâm cho kỳ thi.
Võ Thanh Bình (Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.