[VIDEO] Học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái: Lời những người trong cuộc
|
Một chủ trương nguy hiểm
Có lẽ khá nhiều giáo viên ở nhiều trường trong nước áp dụng hình phạt mang tính phát xít này, nhưng chưa bị phát hiện, vì có lẽ chưa có trường nào mà thầy cô giáo bắt cả lớp tát một học sinh tới... 231 cái. Những cái tát được tính tới con số lẻ như thế đã phơi bày một thực trạng của ngành giáo dục mà lâu nay người ta cố tình che giấu hay coi như “không có chuyện gì nghiêm trọng”.
tin liên quan
Cô giáo phạt học sinh 231 cái tát nhập viện cấp cứuThực trạng ấy là bệnh chạy theo thành tích bằng mọi giá, từ thành tích của lớp tới của trường, từ thành tích của giáo viên chủ nhiệm tới của hiệu trưởng. Trong các chủ trương giáo dục phản giáo dục thì chủ trương lấy thành tích (chủ yếu là ảo) làm thước đo đánh giá kết quả giáo dục là chủ trương nguy hiểm nhất.
Đây không còn là lỗi của một thầy giáo cô giáo đơn lẻ nào, đây là lỗi của cả nền giáo dục. Còn nhớ, trong tất cả các lớp học thời chúng tôi học phổ thông ở miền Bắc, chưa bao giờ xảy ra tình trạng bạo lực này. Và thời đó, cũng không có những cú chạy theo thành tích một cách hoang đường như bây giờ. Và cũng không hề có chuyện một lớp lại toàn học sinh giỏi. Hồi ấy, không có thi đua giữa lớp này với lớp khác, trừ thi đua lao động hay giữ vệ sinh chung. Không cạnh tranh giữa trường này với trường khác để lập “thành tích”. Chúng tôi cứ học bình thường, thầy cô giáo cứ dạy bình thường, thi cử cứ diễn ra bình thường. Không học thêm, không xin điểm, không ai “cố gắng” để là học sinh giỏi, nhưng kết quả là trường học hồi ấy đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhân tài, biết bao nhiêu người cống hiến tài năng và xương máu cho đất nước để có một ngày thống nhất.
[VIDEO] Nếu phải nhận 231 cái tát...
|
Cần giáo dục với 2 chữ “tình thương”
Bây giờ, khi bạo lực học đường đã không còn là chuyện cá biệt, đơn lẻ, thì người ta mới sực nhớ tới hai chữ “tình thương”.
Tôi đã từng biết có những vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn để “trừng phạt”. Nhưng cả lớp đã không thực hiện. Nhưng không phải ở bất cứ trường nào, địa phương nào cũng có được những học sinh thắng được sự sợ hãi như vậy. Giáo dục không phải là “dạy bài học” theo kiểu bạo lực, là dạy sự sợ hãi nhằm biến học sinh thành những “robot ngoan ngoãn” thực hiện mọi quyết định của giáo viên. Đó là kiểu giáo dục nô lệ, và khuyến khích bạo lực học đường.
Trường học là nơi dạy làm người thì phải dạy bằng tình yêu thương nên phải đo đếm bằng tình yêu thương, chứ không phải bằng thành tích, nhất là thành tích ảo.
Ai mới là người chịu tác hại nhiều nhất ?
Cái đáng lo nhất sau vụ việc khiến một giáo viên ở Quảng Bình dùng hình phạt học sinh (HS) phạm lỗi bằng cách cho 23 HS khác mỗi em tát bạn 10 cái trước tập thể không phải là áp lực của thi đua, thành tích, là khoảng trống trong việc chọn lọc và đào tạo ngành sư phạm. Vì những điều này nếu quyết tâm sẽ có những giải pháp phù hợp để chấn chỉnh.
Điều lo nhất chính là cách hành xử này trong môi trường sư phạm sẽ để lại những di hại về mặt ứng xử và nhân cách không chỉ cho HS bị tát mà còn cho cả 23 HS lần lượt thực hiện hành động tát bạn mình trước những người còn lại.
Phát biểu sau vụ việc, người đứng đầu của ngành giáo dục cho rằng: “Bản thân tôi rất buồn khi trong ngành xảy ra hiện tượng như thế”. Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành, niềm tin của xã hội vào đạo đức của nhà giáo.
Nói như vậy hoàn toàn không sai nhưng ông Nhạ chỉ nhìn ở khía cạnh của một người “canh cửa”, “bảo vệ” cho ngành giáo dục. Vì thế, ông chỉ dừng lại ở mức lo ngại việc giảm sút uy tín của ngành mà mình là người đứng đầu. Nếu là một nhà giáo dục, nỗi lo lắng, nỗi buồn sẽ hướng đến mối nguy hại của lối giáo dục kiểu đầy bạo lực và sâu xa hơn sẽ là những di hại khôn lường với HS, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Rồi 23 HS lớp 6 này bước vào đời với một trong những hành trang là sẵn sàng tát vào mặt người khác theo kiểu hội đồng mà không cần suy xét thay vì tìm một giải pháp ôn hòa và mang tính giáo dục hơn. Đấy chính là mầm mống khiến bạo lực học đường ngày càng trầm trọng. Còn ngoài xã hội là những hành vi côn đồ, bạo hành, chèn ép kẻ yếu thế… cũng đã đến mức báo động. Còn HS nhận 231 cái tát liệu có quên được “kỷ niệm” đau buồn này khi lẽ ra với em “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”? Em hoặc mãi mãi sẽ không bao giờ sống thật với mình, không có chính kiến, sẵn sàng tuân thủ mọi điều và dễ dàng chấp nhận để người khác hành hạ mình. Hoặc ngược lại, em cũng sẽ ứng xử với người khác đầy bạo lực như mình đã từng bị.
Và tất cả những HS này có nguy cơ trở thành những con người chỉ biết vâng lời thực hiện theo tất cả các mệnh lệnh mà không có bất kỳ chính kiến nào.
Đây mới chính là nỗi buồn, nỗi lo thật sự trước những hành vi phản giáo dục chứ không phải là lo uy tín của ngành bị giảm sút như trăn trở của bộ trưởng.
Nhiên An
|
Bình luận (0)