Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng mục tiêu giáo dục không phải chỉ "dạy chữ" mà quan trọng hơn là phải "dạy người". Nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh (HS) là yêu cầu bắt buộc, vì thế mọi thành viên trong nhà trường đều phải có trách nhiệm. Các phong trào thi đua của tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng hết sức quan trọng, luôn thu hút được đông đảo HS tham gia, qua đó các em được học tập, rèn luyện và trưởng thành. Việc thi đua "dạy tốt, học tốt" trong nhà trường từ xưa đến nay vẫn là động lực và mục tiêu phấn đấu của mỗi giáo viên (GV), HS.
Không có quy định nào đánh giá, xếp loại GV bằng tỷ lệ hs giỏi
tin liên quan
'Cái tát' vào bệnh thành tích: Không phải là hiện tượng đơn lẻHiện nay, toàn ngành giáo dục đang triển khai phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học” với những nội dung và tiêu chí đánh giá thi đua rất cụ thể cho từng tập thể, cá nhân, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HS, sinh viên.
Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cụ thể hóa nội dung, tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp học, trình độ đào tạo, đảm bảo hiệu quả thiết thực, tránh phô trương hình thức. Việc triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua "đổi mới sáng tạo trong dạy và học" sẽ có tác động rất lớn trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã quyết liệt chỉ đạo, từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong toàn ngành. Với tính chất và biểu hiện phức tạp của căn bệnh thành tích, đòi hỏi phải kiên trì, có các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc không chỉ ngành giáo dục mà cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Đối với các cuộc thi dành cho GV và HS, Bộ đã chỉ đạo rà soát, tinh giảm từ nhiều năm qua. Yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy học của chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực GV và HS; không tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và lấy thành tích của cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.
|
Việc đánh giá, xếp loại GV, cơ sở giáo dục có nên căn cứ vào tỷ lệ HS giỏi, đỗ đạt hay nên có những thước đo khác sát sao hơn, hướng tới sự tiến bộ của người học hơn, thưa bà?
Theo quy định của luật Thi đua khen thưởng, Bộ GD-ĐT không quy định tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, công nhận các danh hiệu thi đua và xét khen thưởng cho GV, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của các địa phương. Việc hướng dẫn tiêu chuẩn, tiêu chí thi đua, xét khen thưởng hằng năm cho GV, cơ sở giáo dục của địa phương thuộc thẩm quyền của UBND cấp quận/huyện, tỉnh/thành phố. Bộ GD-ĐT chỉ quy định việc khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông qua phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”; khen thưởng chuyên đề; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất.
Việc đánh giá xếp loại GV được thực hiện theo quy định của luật Viên chức, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9.6.2015 của Chính phủ; Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các quy định về chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; quy định về tiêu chuẩn, quy trình công nhận trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông... Các văn bản này thường xuyên được rà soát, sửa đổi để loại bỏ những quy định có thể dẫn đến bệnh thành tích.
|
Trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đánh giá, xếp loại GV, không có quy định đánh giá, xếp loại GV căn cứ vào tỷ lệ HS giỏi, đỗ đạt để làm thước đo. Các tiêu chuẩn, tiêu chí đều hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS, tạo ra sự tiến bộ của HS trong học tập, rèn luyện, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường, văn hóa nhà trường.
|
Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi gì về việc ban hành các quy định, chính sách, hướng dẫn... để giúp công tác thi đua khen thưởng trở nên thực chất và trở về đúng mục tiêu của các phong trào thi đua hơn?
Ngày 28.8.2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 22 về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục. Thông tư đã được xây dựng theo hướng đổi mới: coi trọng khen đột xuất, khen thành tích xuất sắc, khen thưởng qua phong trào thi đua; thành tích đến đâu, khen đến đó. Công khai minh bạch thông tin, thành tích của tập thể, cá nhân trên website, phương tiện thông tin của đơn vị trước khi đề nghị khen thưởng. Chú trọng khen thưởng người trực tiếp lao động (bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý), lấy kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động làm căn cứ chủ yếu để xét thi đua, khen thưởng.
Đổi mới cơ bản việc xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua sát thực tế, ngắn gọn, bảo đảm tính định lượng, rõ ràng, công khai, có minh chứng, sản phẩm khi đánh giá. Các tiêu chí thi đua tập trung đánh giá sự tiến bộ của chính cá nhân, tập thể so với năm trước. Cơ quan quản lý giáo dục các cấp không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực thực tế của mỗi tập thể, cá nhân, không chạy theo thành tích.
Bộ sẽ giám sát việc thực hiện những thay đổi đó như thế nào ở cấp cơ sở?
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tới người dạy, người học, cha mẹ HS và toàn xã hội về yêu cầu dạy và học thực chất. Cổ vũ, động viên, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tạo môi trường lành mạnh và sự đồng thuận trong nhà trường và cả xã hội để phát triển giáo dục.
Chú ý tới việc hướng dẫn tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở không cực đoan, máy móc, tạo áp lực, hình thức trong thực hiện phong trào thi đua. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức và thực hiện thi đua khen thưởng ở các địa phương, đơn vị trường học để kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong việc tổ chức các phong trào thi đua.
Bình luận (0)