1.476 phòng học mới
Ngày 14.8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới. Tham gia hội thảo là các thành viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đại diện MTTQ các quận huyện, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, lãnh đạo phòng giáo dục 24 quận huyện…
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2019 - 2020, dự kiến thành phố tăng khoảng 75.434 học sinh. Trong đó, bậc mầm non tăng 7.293, bậc tiểu học tăng 21.711, bậc THCS tăng 26.435 và bậc THPT tăng 19.995 học sinh.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết số học sinh tăng nhiều ở bậc tiểu học và THCS, đồng thời tập trung tại một số quận, huyện như: Quận 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Để chuẩn bị cho năm học học mới, Sở thông tin dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng tập trung ở quận 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân…
Loay hoay tuyển dụng giáo viên
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Trung Mậu, Phó chủ tịch Hội cựu giáo chức TP.HCM, cho biết là thành viên tham gia đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ đến một số quận huyện thì thấy còn loay hoay trong vấn đề tuyển dụng giáo viên dù năm học mới đang đến gần. Vì vậy, ông Mậu đề nghị những năm học sau công tác tuyển dụng cần thực hiện sớm để các trường có thời gian bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên.
Còn ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, nêu ý kiến đề nghị các trường tăng cường bổ sung các kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm đến vai trò của Tổng phụ trách Đội trong nhà trường để đội ngũ này phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức của học sinh.
Giáo viên cần thay đổi
Đề cập đến mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho rằng mối quan hệ này cần xây dựng gắn bó. Nhà trường phải làm sao để phụ huynh học sinh thấy mình cần chủ động hơn...
Bà Châu nói thêm, nguyện vọng của phụ huynh là chính đáng nhưng vẫn cần có sự tương tác. Nhà trường nên thực hiện khảo sát cả phụ huynh, học sinh và giáo viên để từ đó thống kê được các nguyện vọng có thể gặp nhau.
Đặc biệt, bà Châu nhấn mạnh, giáo viên cần có sự thay đổi, chẳng hạn, một số trường yêu cầu học sinh không sử dụng điện thoại vậy mà giáo viên lại trả lời tin nhắn liên tục trong giờ dạy.
Ngoài ra, bà Châu cho hay học sinh các trường quốc tế khi tham gia hoạt động rất năng động trong khi còn nhiều học sinh trường công lập còn rụt rè. Vì vậy, ngành giáo dục và phụ huynh nên lưu ý việc tổ chức học như thế nào để buổi một là học văn hóa, buổi còn lại dành cho việc bồi dưỡng kỹ năng...
Bình luận (0)