Câu đơn hay ghép trong đề văn lớp 10?: Chuyên gia ngôn ngữ cũng tranh cãi 'nảy lửa'

16/07/2019 21:35 GMT+7

Đề thi ngữ văn lớp 10 ở Bình Thuận yêu cầu thí sinh chỉ ra câu đơn hay câu ghép không chỉ gây ra tranh cãi 'nảy lửa' giữa các phụ huynh, giáo viên, mà ngay cả các chuyên gia ngôn ngữ cũng có những ý kiến khác nhau.

Trong đề môn ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua của Sở GD-ĐT Bình Thuận có câu: “Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên (1). Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá (2)”.

(Trích Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, ngữ văn lớp 9, tập một, Nhà xuất bản giáo dục VN, 2018). 
Đề yêu cầu thí sinh chỉ ra trong câu (2) của đoạn văn này là câu đơn hay câu ghép. Chỉ ra các thành phần câu. (câu này được 0,75 điểm).
Đáp án yêu cầu thí sinh chỉ ra được đây là câu đơn. Với thành phần của câu: Người con trai ấy (chủ ngữ) - đáng yêu thật (vị ngữ) - nhưng làm cho ông nhọc quá (vị ngữ).
Đáp án này không chỉ gây ra tranh cãi “nảy lửa” giữa các phụ huynh, giáo viên, mà ngay cả các chuyên gia ngôn ngữ cũng có những ý kiến không giống nhau.

Chuyên gia ý kiến trái chiều

Theo GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng để xác định đây là câu đơn hay câu ghép cần xuất phát từ cách định nghĩa 2 loại câu này.


Theo GS-TS Hiệp, câu đơn là câu chỉ có một chủ ngữ và một vị ngữ. Còn câu ghép là câu có từ 2 chủ ngữ-vị ngữ trở lên nhưng không bao hàm nhau. Xuất phát từ cách hiểu này, Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá là một câu ghép. Trong đó, người con trai ấy là chủ ngữ và đáng yêu thật là vị ngữ; ở vế sau chủ ngữ (người con trai ấy) bị khuyết đi với mục đích làm gọn câu và vị ngữ là làm cho ông nhọc quá.

Đồng quan điểm này, một giảng viên ngôn ngữ học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng cho rằng đây là một câu ghép.

Theo giảng viên này, nếu chỉ nhìn phần đầu của câu thì có thể thấy Người con trai ấy đáng yêu thật là một câu đơn hoàn chỉnh gồm chủ ngữ (người con trai ấy) và vị ngữ (đáng yêu thật). Nhưng vế sau đó nhưng làm cho ông nhọc quá là một vế bị ẩn đi chủ ngữ (chính là người con trai ấy).

Trong khi đó, theo một tiến sĩ ngôn ngữ học của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, câu trên là câu đơn dù xét theo quan điểm ngữ pháp nào.

Tiến sĩ này phân tích: “Theo quan điểm ngữ pháp chức năng, đây là một câu đơn. Trong đó, người con trai ấy là phần đề; đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá là phần thuyết nhằm thuyết minh cho vấn đề được nêu lên ở phần đề”.

Cũng theo người này: “Nhìn theo quan điểm ngữ pháp truyền thống đây cũng là một câu đơn. Trong đó, chủ ngữ là người con trai ấy; 2 vị ngữ là đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá”.

Xuất phát từ quan điểm khác nhau về ngữ pháp tiếng Việt

Cũng theo giảng viên ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trên, những tranh cãi này xuất phát từ những quan điểm khác nhau về ngữ pháp tiếng Việt. Trước nay, ngữ pháp tiếng Việt được sao phỏng theo ngữ pháp châu Âu và phân tích câu theo chủ ngữ-vị ngữ. Trong khi thực ra, cách phân tích này không đúng với bản chất vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn hình trong khi ngôn ngữ châu Âu là ngôn ngữ biến hình. Việc phân tích tiếng Việt theo cấu trúc chủ - vị sẽ không tránh khỏi những bất cập.

Đáp án của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận

Quế Hà

“Dù vậy nhưng hàng trăm năm nay chúng ta vẫn dạy học theo ngữ pháp chủ vị, SGK vẫn dạy theo quan điểm truyền thống nên đôi khi xảy ra những tranh cãi trong cách ra đề, đáp án môn tiếng Việt”, giảng viên này nói.

Đồng tình quan điểm trên, tuy nhiên theo tiến sĩ ngôn ngữ học của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, việc dạy học tiếng Việt trong nhà trường vẫn nên theo quan điểm ngữ pháp truyền thống.

“Nhà trường không nên áp dụng các phương áp quá mới dành cho học sinh mà nên sử dụng các cách nhìn tương đối phổ biến. Những cách nhìn mới chỉ nên dành cho các nhà nghiên cứu”, tiến sĩ này đề xuất.

Theo GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, người làm đề và đáp án đều có lý do khi cho rằng câu trên là câu đơn, cũng xuất phát từ cách nhìn khác về thế nào là câu đơn và câu ghép. Trong cách hiểu này, đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá là 2 vị ngữ theo kết cấu đối lập của chủ ngủ người con trai ấy.

Tuy nhiên GS Hiệp khuyến cáo không nên ra đề thi như vậy trừ khi có mục đích để học sinh thể hiện khả năng suy luận, góc nhìn khác nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.