Chăm sóc cây xanh định kỳ hay theo 'trend'?

30/05/2020 10:19 GMT+7

Dư luận băn khoăn có phải động thái xử lý cây xanh nói chung là theo 'trend' (xu hướng), sau vụ việc cây phượng bật gốc khiến học sinh thương vong ở Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM)?

Ngày 29.5, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học trên toàn thành phố tăng cường kiểm tra, cắt tỉa cây xanh, xử lý cây rỗng thân, mục gốc có nguy cơ ngã đổ mùa giông lốc đầu hè.
Theo đó, để tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trường học, Sở GD-ĐT Đà Nẵng có văn bản yêu cầu các đơn vị trường học trên toàn thành phố thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cây xanh.
Cụ thể, yêu cầu các đơn vị tăng cường chăm sóc cây xanh, có kế hoạch tỉa thưa cành theo định kỳ để đảm bảo cân tán, hạn chế nguy cơ gãy nhánh, mất an toàn. Ngoài ra còn phải kiểm tra tình hình sinh trưởng các loại cây cổ thụ, nhất là đối với loài cây phượng (rất hay bị mục rỗng thân, mục gốc) và liên hệ với các đơn vị chuyên ngành cây xanh để xử lý đảm bảo an toàn.

Đối với những cây xanh có nguy cơ ngã đổ, gây sụp tường bao, mất an toàn cho học sinh phải được xử lý triệt hạ trước mùa giông lốc

An Dy

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị phải có phương án chèn, chống phù hợp đối với các cây trồng khi đã lớn không có rễ cọc, bộ rễ không đảm bảo an toàn… Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn trường học, phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh, học viên.

"Không dễ gì quyết định đốn hạ một cái cây"

Cùng ngày, các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên ngành cây xanh thực hiện đánh giá hiện trạng các loại cây lâu năm, các loại cây rợp tán để có phương án tỉa cành… Dư luận băn khoăn có phải động thái xử lý phượng, xử lý cây xanh nói chung theo “trend”, sau vụ việc cây phượng bật gốc khiến học sinh thương vong ở Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM)?
Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng), cho biết thời điểm đầu hè thường có giông lốc. Thường lúc này học sinh đã bắt đầu nghỉ hè nên trường cũng định kỳ triển khai các hoạt động chăm sóc, cắt tỉa cây xanh định kỳ. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, học sinh vẫn đến trường nên trường chỉ tranh thủ những ngày cuối tuần để thực hiện chăm sóc, cắt tỉa cây xanh.
Cũng theo bà Nguyệt, nhiều phụ huynh đến trường đón con cũng tỏ ra băn khoăn, sợ cây bị triệt hạ, sợ không còn bóng mát cho học sinh. Bà Nguyệt giải thích, định kỳ thời điểm này trường xử lý cây xanh hỏng, mục rỗng, tuy nhiên những năm trước, học sinh nghỉ hè nên phụ huynh không thấy cây bị triệt hạ, cưa cành. Cô Nguyệt cho biết, năm học này đặc biệt, hè đã đến nhưng các bạn nhỏ vẫn học nên trường phải đợi những ngày cuối tuần mới cắt tỉa, không phải do phượng ngã đâu đó rồi các trường mới làm…
“Theo nhân viên chăm sóc cây xanh, trường có 2 cây là phượng tím và muồng tím phải xử lý do cây mục ruỗng, rỗng bên trong từ gốc lên đến gần ngọn. Đánh giá nguy cơ ngã đổ lên đến hơn 70% nên trường chọn giải pháp triệt hạ, bứng gốc và thay thế bằng cây mới. Các cành nhỏ có tán không cân đối của toàn bộ cây xanh trong trường cũng được tỉa để đảm bảo trước mùa giông lốc”, bà Nguyệt cho biết.
Theo các chuyên gia cây xanh, giống phượng có đặc tính bộ rễ chùm ăn nông trên mặt đất nên cần diện tích đất rộng để thoát nước, giúp bộ rễ phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, cây xanh đô thị với diện tích đất quanh gốc chật hẹp khiến cây yếu, dễ bệnh, dễ bị mối mọt tấn công, mục ruỗng bên trong nên chỉ cần đến mùa trổ bông, chùm sum suê gặp gió cũng khiến cây dễ bật gốc dọ mục rỗng trong thân, dù vỏ cây bên ngoài nhìn vẫn xù xì bình thường.

Một gốc phượng trong sân trường tiểu học bị mối đục rỗng thân từ gỗ đến gần ngọn, nhưng nhìn bên ngoài vẫn xù xì bình thường rất khó phát hiện

An Dy

Ông Lê Văn Khoa, phụ trách chăm sóc cây xanh một trường tiểu học tại Đà Nẵng, cho biết người chăm cây thì không dễ gì quyết định đốn hạ một cái cây, nhất là cây ấy lấy bóng mát cho trẻ nhỏ. Nhưng giống phượng trồng ở các đô thị bê tông hóa nền đất thì tuổi thọ sẽ thấp hơn, không khỏe bằng những cây phượng trồng nền đất rộng ở nông thôn, ven đô. Cây ở đô thị vì vậy sẽ dễ yếu, bệnh và mục rỗng bên trong, không phát hiện ra sẽ cực kỳ nguy hiểm.
“Mỗi năm các trường ở Đà Nẵng cũng đều cắt cành, xử lý cây hỏng và thay thế khoảng 2 lần, một lần từ đầu mùa hè giông lốc và một lần vào đầu mùa mưa, do sợ tán cây, cành cây không cân đối, cây chết mục bên trong dễ gãy đổ khi có gió…”, ông Khoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.