Chạy trường - Bài III: Vẫn chưa có thuốc chữa

27/04/2009 15:07 GMT+7

Lãnh đạo nhiều phòng GD&ĐT Hà Nội cho biết, địa phương chưa có giải pháp khả dĩ nào giảm thiểu tiêu cực trong chạy trường.

> Bài II: Uổng công nối sợi dây dài 
>
Bài I: Chạy trường, 3.000 USD một suất?

Muốn thi nhưng không được

Theo thông lệ hàng năm, việc tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 về cơ bản đều căn cứ vào tuyến tuyển sinh.

Năm nay, dù Sở GD&ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể, lãnh đạo các phòng GD&ĐT cho hay, phương thức tuyển sinh đầu cấp sẽ không khác những năm trước. Điều này báo trước nạn chạy trường trái tuyến sẽ tiếp tục nóng!

Khi phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi, làm sao giảm thiểu tiêu cực trong chạy trường hiện nay, cán bộ quản lý phòng GD&ĐT của một quận có nhiều trường để chạy thốt lên: “Khó quá. Ai trả lời được đây?”.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục các cấp, dù nhiều năm nay thành phố đưa ra nguyên tắc ba giảm, ba tăng, trong đó có giảm học sinh trái tuyến, nhu cầu học trái tuyến là hiện thực xã hội khó mà giảm. Do đó, việc các trường có uy tín bị cắt bớt chỉ tiêu trái tuyến chỉ càng làm tăng độ nóng của nạn chạy trường.  

Ở các quận như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm..., hàng năm, đến mùa tuyển sinh, UBND quận đều làm việc với những trường có uy tín lớn, nhằm bàn thảo các giải pháp ngăn chặn nạn chạy trường. Song, hiệu quả đến đâu thì thực tế nạn chạy trường gây nhức nhối trong dư luận những năm qua là câu trả lời!

Một cán bộ quản lý giáo dục cấp quận chia sẻ: “Hiện nay với cấp THCS, chỉ có duy nhất trường Hà Nội – Amsterdam là được thi tuyển, còn tất cả các trường khác đều phải tuyển sinh theo tuyến. Tuyển hết học sinh đúng tuyến, nếu còn chỉ tiêu thì được tuyển sinh trái tuyến. Việc xét tuyển trái tuyến này khiến các hiệu trưởng rất căng thẳng vì xét tuyển dựa vào mối quan hệ, không thể nào coi nhẹ bên này, nặng bên kia”. 

Được biết, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa nhiều lần đề xuất Sở GD&ĐT cho phép các quận/ huyện tổ chức thi tuyển đối với một số trường có uy tín nhưng không được chấp thuận.

 Để giảm thiểu tiêu cực trong chạy trường, theo tôi, tốt nhất nên tổ chức thi tuyển với những trường có nhu cầu học trái tuyến cao. Ở mỗi quận cũng chỉ có vài trường như thế. Nhưng đề xuất này không được lãnh đạo Sở GD&ĐT tán thành vì liên quan tới quy định của Bộ GD&ĐT. Bộ sợ tổ chức thi thì sinh ra căng thẳng, các gia đình ép con đi học, các cháu mất cả hè, mất cả tuổi thơ...

Ông Nguyễn Thế Đại
 
- Phó trưởng phòng GD&ĐT
Quận Ba Đình (Hà Nội)

Nhưng khi phóng viên đề cập đến giải pháp công khai các tiêu chí xét tuyển, cũng như công khai danh tính, lý do các trường hợp được nhận trái tuyến, ông Nguyễn Thế Đại - Phó trưởng phòng GD&ĐT Quận Ba Đình (Hà Nội) cười: “Công khai minh bạch là điều kiện làm cho xã hội tốt hơn. Nhưng công khai minh bạch cũng cần có quá trình và đó là lý tưởng, là ước mơ”.

Sở không can thiệp

Theo cán bộ quản lý các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội, về đại thể, hệ thống trường THCS công lập ở Hà Nội đảm bảo đủ chỗ cho tất cả học sinh tốt nghiệp tiểu học, và đó là lý do quan trọng để Hà Nội không đặt ra vấn đề thi tuyển đầu cấp đối với THCS.

Ngoài ra, việc tuyển sinh vào THCS Hà Nội cũng như tất cả các địa phương khác trong cả nước phải tuân thủ quy chế của Bộ GD&ĐT, không phân loại học lực của học sinh để xét tuyển.

“Vì cấp THCS là cấp học phổ cập nên thành phố chỉ đạo, tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, điều kiện sức khỏe đảm bảo thì được học tiếp lên cấp THCS và việc xét tuyển căn cứ vào địa bàn cư trú của học sinh” - Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Cán bộ quản lý các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận có nghe nói về những hiện tượng tiêu cực trong chạy trường nhiều năm nay. Một vị trong số đó nói: “Theo tôi, phần lớn phụ huynh xin được vào trái tuyến ở các trường có uy tín là nhờ quan hệ. Mà nhờ quan hệ thì chưa hẳn đã phải sử dụng tiền. Việc dùng tiền để xin học chỉ xảy ra với những trường hợp không có quan hệ và các cấp quản lý thì rất khó phát hiện ra những trường hợp này”.

Được biết, từ cấp độ cơ quan quản lý nhà nước, Sở GD&ĐT chưa đề xuất giải pháp nào hiệu quả nhằm ngăn chặn tiêu cực trong tuyển sinh trái tuyến.

Theo ông Ngô Văn Chất - Phó phòng Quản lý Thi & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, việc tuyển sinh trái tuyến như thế nào là tuỳ vào các trường (với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND quận/huyện), Sở không can thiệp.

Ông Chất nói: “Việc tuyển sinh thực hiện theo phân cấp. Các tiêu chí xét tuyển trái tuyến như thế nào là do trường. Sở không đặt ra quy định và cũng không có hướng dẫn nào với các trường về vấn đề này”. 

Theo Quý Hiên / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.