Chỉ 19,4% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn

17/08/2018 15:10 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố số liệu thống kê tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của từng bậc học hiện nay. Trong đó đáng chú ý là chỉ 19,4% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn.

Ngày 17.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 bậc trung học. Theo đó, Sở công bố số liệu thống kê tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của từng bậc học hiện nay. Cụ thể, bậc tiểu học dẫn đầu với 96,7%, tiếp theo đến bậc THCS với 85,3%, bậc mầm non 62%. Còn lại 2 bậc học có tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn thấp là THPT với 19,4% và GDTX với 15,93%. 


Ngoài ra, Sở cũng thông tin số lượng trường học và học sinh ngoài công lập. So với 5 năm trước, hiện nay, số trường ngoài công lập tăng 168 trường (24,7%) và số học sinh đang theo học cũng tăng 58.192 học sinh (26,2%). Thành phố hiện có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài với trên 1.345 giáo viên, hơn 10.799 học sinh (5.080 học sinh Việt Nam) đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường học tập tốt cho con, em người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến Việt Nam công tác hoặc kinh doanh, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của thành phố bằng cách cung cấp chương trình giáo dục quốc tế có uy tín và được công nhận trên toàn thế giới.

Trong năm học mới 2018 - 2019, Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định tiếp tục chỉ đạo các trường đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Tăng cường tổ chức cho học sinh tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Đồng thời hướng dẫn trường chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của học sinh, sinh viên theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học. Chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.