Cho sinh viên ngành khác chuyển sang ngành công nghệ thông tin: Có nên 'thả cửa'?

21/11/2017 09:24 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa có quyết định chính thức cho phép sinh viên đang học đại học các ngành khác được chuyển sang học công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, chủ trương này có thể không đạt hiệu quả như mong đợi mà còn nảy sinh nhiều bất cập.

Ngược quy định xác định chỉ tiêu ?
Quy chế hiện tại đã cho phép người học và cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhau rồi, không cần thiết có quy chế riêng cho ngành CNTT nữa
Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH LÝ (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)
Để tăng quy mô đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) theo định hướng ứng dụng trình độ đại học (ĐH), Bộ GD-ĐT đã triển khai đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực CNTT trình độ ĐH giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, sinh viên (SV) đang học ĐH hết năm thứ 1, 2, 3 các ngành khác nếu có nguyện vọng có thể được chuyển sang học CNTT ở cùng một cơ sở đào tạo hoặc các cơ sở đào tạo khác có đào tạo các ngành này.
Theo văn bản này, chỉ tiêu và điều kiện chuyển ngành học do thủ trưởng các cơ sở đào tạo quy định cụ thể theo hướng mở, công khai và đảm bảo các điều kiện đầu vào tối thiểu của chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, ngay khi được ban hành, đã có nhiều lo ngại từ những người làm công tác đào tạo của các trường, đặc biệt là sự quá tải về năng lực đào tạo nếu số SV chuyển ngành quá nhiều.
Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trước khi tuyển sinh các trường đã tự xác định chỉ tiêu từng ngành dựa trên các điều kiện về đảm bảo năng lực đào tạo: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy. Do vậy, việc cho phép SV đã trúng tuyển ngành khác chuyển sang học CNTT cần căn cứ trên năng lực đào tạo thực tế của đơn vị.
“Nếu ngành này chỉ 5 - 10 cán bộ giảng dạy nhưng có tới hàng trăm SV học thì chất lượng đào tạo sẽ đi tới đâu?”, tiến sĩ Thông lo lắng.
Băn khoăn điều kiện đầu vào
Các ngành được áp dụng đặc thù
Văn bản Bộ GD-ĐT vừa gửi các trường ĐH, học viện về việc chính thức cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ ĐH gồm: khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ kỹ thuật máy tính, an toàn thông tin, CNTT ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội (như CNTT ứng dụng trong quản lý kinh tế, CNTT ứng dụng trong các ngành kỹ thuật...).
Không chỉ năng lực đào tạo, nhiều ý kiến còn băn khoăn về điều kiện tiếp nhận tối thiểu của việc chuyển ngành học theo quyết định mới ban hành của Bộ còn rất chung chung.
Cán bộ tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM đặt câu hỏi: “Hiểu như thế nào về điều kiện đầu vào tối thiểu của chương trình đào tạo? Có thể hiểu trúng tuyển vào trường, đáp ứng ngưỡng điểm tối thiểu của Bộ là đã có đủ năng lực học ĐH ở tất cả các ngành hay không?”.
Còn tiến sĩ Lê Chí Thông cho rằng việc cho phép SV ngành khác chuyển sang học CNTT tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM không dễ thực hiện. Việc này nếu diễn ra có thể dẫn đến tình trạng không thỏa mãn điều kiện trúng tuyển đầu vào. Bởi lẽ khoa học máy tính là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường trong năm 2016 (28 điểm). Nếu cho phép SV ở ngành khác chuyển sang học ngành này sẽ là không phù hợp, đặc biệt với những ngành điểm chuẩn thấp hơn nhiều.
Một số ý kiến còn cho rằng việc tiếp nhận SV chuyển ngành còn cần căn cứ quy định hiện hành. Hiện nay SV chỉ được chuyển ngành nếu điểm trong kỳ thi tuyển sinh đầu vào ĐH phải tối thiểu bằng điểm trúng tuyển ngành chuyển đến.
Hiện tại một số trường thậm chí không cho phép SV thực hiện chuyển ngành học trong nội bộ trường. Thay vào đó, SV chỉ được phép học thêm ngành thứ 2 sau khi đã hoàn tất học kỳ đầu và có điểm tích lũy cuối kỳ đạt 2.0/4.0. Nhưng trong quá trình học, nếu điểm tích lũy ngành thứ nhất thấp hơn mức điểm này thì SV buộc phải dừng việc học ngành thứ 2.
Phá vỡ định hướng nghề nghiệp ?
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận: “Chính sách này có thể dẫn tới phá vỡ định hướng nghề nghiệp mà SV đã xác định từ trước đó. Đặc biệt khi CNTT là lĩnh vực đòi hỏi người học có năng lực khác biệt hơn”. Ông Sơn cho biết có thể trường sẽ không khuyến khích người đang học ngành khác chuyển sang ngành CNTT. Hiện trường này cho phép SV ngành CNTT và điện tử viễn thông được chuyển ngành lẫn nhau trong quá trình học nhưng không được chuyển sang các ngành khác.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nêu ý kiến, để khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH mở ngành, chuyên ngành CNTT ứng dụng, Bộ chỉ cần khuyến cáo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, tự thân các trường, thí sinh và doanh nghiệp sẽ thấy nhu cầu xích lại gần nhau. Kể cả chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ được điều chỉnh theo nhu cầu, vì hiện tại quy chế cũng đã cho phép các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với các ngành, trong đó có lĩnh vực này. Điều này áp dụng cả với chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 trình độ ĐH về CNTT.
Tiến sĩ Lý đề xuất: “Quy chế hiện tại đã cho phép người học và cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhau rồi, không cần thiết có quy chế riêng cho ngành CNTT nữa”.
Còn tiến sĩ Lê Chí Thông có ý kiến: “Bộ nên yêu cầu các trường đánh giá lại năng lực tuyển sinh và tập trung hơn cho ngành CNTT trong năm tới thay vì cho phép SV đang học được chuyển ngành”.
Vì vậy có ý kiến lo ngại với cách làm này, Bộ đang “thả cửa” các trường ĐH trong việc chuyển ngành học và điều này có thể khiến không đạt được mục tiêu mà Bộ đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.