Chống bạo lực học đường, cần tư vấn tâm lý cho cả giáo viên

10/10/2019 06:54 GMT+7

Sự việc giáo viên ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) bạo hành học sinh khiến nhiều nhà quản lý giáo dục ở cơ sở như chúng tôi lại trăn trở về nạn bạo hành trong trường học.

Tôi cho rằng bạo lực học đường đang là vấn đề làm nhức nhối lòng người và cần có các giải pháp căn cơ.
Ngoài một số hình thức “đặc thù”, bạo lực học đường cũng diễn ra như bạo lực ở những môi trường khác, rất nguy hiểm: bằng lời trực tiếp hoặc gián tiếp (mắng chửi, sỉ nhục, đe dọa nhau bằng lời nói hoặc dùng mạng xã hội...); bằng hành vi (bắt quỳ, uống nước bẩn, liếm ghế, nhéo tai, tát, đấm, đá...); bằng dụng cụ (gậy gộc, dao kéo, gạch đá...).

Bạo lực học đường đến từ nhiều phía

Bạo lực đến từ học sinh (HS), cả nam lẫn nữ. Có thể xảy ra trong trường và ngoài trường. Các em được giáo dục thường xuyên về lòng nhân ái, về nội quy trường lớp, về pháp luật..., nhưng không phải HS nào cũng tiếp thu và có nhận thức đúng đắn. HS còn nhiễm những thói hư, tật xấu ngoài xã hội, thậm chí trong một số ít gia đình.
Bạo lực đến từ giáo viên. Tuy được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm, có luật, quy chế, điều lệ nghiêm cấm các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể HS nhưng vẫn có những giáo viên do nhận thức hoặc không kiềm chế được cảm xúc đã có những hành vi bạo lực HS, nhất là HS nhỏ (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở).
Bạo lực đến từ người thân của HS (cha, mẹ, anh, chị...). Khi con em mình “có chuyện” ở trường, gia đình đưa người đến gây áp lực, thậm chí bạo lực với HS, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nhằm “bảo vệ” con em mình.
Cuộc sống thường xảy ra mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực không bao giờ là cách đúng đắn, hợp pháp và có hiệu quả! Trẻ em là đối tượng được ưu tiên bảo vệ. Môi trường chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em chủ yếu ở trường học (tập trung) và gia đình (cá thể). Chống bạo lực học đường là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cấp thiết trong tình hình hiện nay.

5 yếu tố căn cơ để giải quyết vấn đề

Như vậy giải pháp căn cơ và hữu hiệu cho vấn đề này là gì?
Trước tiên phải xác định trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục. Thầy cô phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, về nghiệp vụ sư phạm, phải trau dồi đạo đức, phải có lòng nhân ái, có kỹ năng ứng xử thích hợp, biết kiềm chế cảm xúc... Sinh hoạt của hội đồng giáo dục ở cơ sở phải thường xuyên nhắc nhở, rút kinh nghiệm từ các sự việc cụ thể diễn ra ở trường mình hoặc trường khác.
Giáo dục HS rất quan trọng bao gồm giáo dục tôn trọng luật pháp, nội quy nhà trường; lòng nhân ái, nhường nhịn, vị tha; kiềm chế cảm xúc; tôn trọng nhân phẩm, danh dự người khác; sống có trách nhiệm với bản thân mình... làm những việc tử tế để thành người tử tế.
Nhà trường cần có lực lượng bảo vệ, giám thị chuyên trách. Lực lượng này phải có năng lực và được tập huấn nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ việc gây mất an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho HS, cán bộ, giáo viên.
Ngoài ra, cơ sở vật chất trường học cũng phải có những điều kiện đảm bảo an toàn cho HS, như: Kín cổng cao tường, không để người lạ vào trường tùy tiện, HS trốn ra ngoài trong giờ học. Nên lắp camera ở cổng, ở sân, ở hành lang, nhà để xe... Đối với HS nhỏ (mầm non, tiểu học) có thể lắp camera trong lớp học, nơi ăn, ngủ của các cháu để giám sát sự chăm sóc của giáo viên, buộc giáo viên phải chu đáo trong công việc. Không nên lắp camera trong các lớp HS lớn (THCS, THPT) vì có thể tạo áp lực không cần thiết đối với thầy và trò.
Cuối cùng, công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường rất quan trọng. Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường. Nếu tổ chức và hoạt động có hiệu quả thì phòng tư vấn tâm lý sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu về việc giải quyết mâu thuẫn, bức xúc trong HS, nguy cơ dẫn đến bạo lực. Phòng tư vấn tâm lý cần những cán bộ có chuyên môn (chuyên gia tâm lý) và chuyên trách về việc này. Nếu cử “giáo viên kiêm nhiệm”, nghĩa là thiếu “hai chuyên” (chuyên môn và chuyên trách) thì việc tư vấn tâm lý hạn chế hiệu quả. Việc tư vấn tâm lý không chỉ cần cho HS mà giáo viên và cha mẹ HS cũng có thể tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.