Chương trình giáo dục phổ thông mới còn xa lạ với nhiều giáo viên

15/12/2019 08:32 GMT+7

Đa số giáo viên có thái độ rất bàng quan dù chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng, lấy ý kiến đóng góp và công bố từ rất lâu. Thế nhưng, nó còn “xa lạ” với nhiều giáo viên.

Quyết định đến thành công hay thất bại của việc đưa chương trình giáo dục phổ thông mới vào nhà trường chính là đội ngũ giáo viên.
Còn nhớ trước đây, khi chương trình giáo dục phổ thông mới đang ở giai đoạn phôi thai, chính tổng chủ biên chương trình GS Nguyễn Minh Thuyết cũng đã trăn trở điều này. Đây là một sự nhìn nhận rất đúng. Bởi vì dù cho chương trình có hay, có khoa học đến đâu, mà không được những người trực tiếp thực hiện- giáo viên-  tiếp ứng, áp dụng thông suốt thì cũng dễ bị trở thành… “lý thuyết xám xịt”. Dễ dẫn đến cảnh “trên tỏ, dưới không thông”, cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”… Mục tiêu giáo dục mà chương trình giáo dục phổ thông  mới  sẽ rất khó đạt được.

Coi chừng kiểu "dạy cho có phong trào"

Chỉ lấy một ví dụ, đó là việc áp dụng giáo dục STEM vào chương trình mới. Chương trình phổ thông mới hướng đến cách đánh giá năng lực (gồm hiểu biết, kỹ năng và thái độ của người học), khác với cách đánh giá nặng về kiến thức trước đây. Vì vậy rất cần đến việc ứng dụng giáo dục STEM vào chương trình phổ thông mới. Giáo dục STEM sẽ tạo điều kiện cho học sinh có tư duy khám phá, hướng đến cách học tích cực, chủ động và giải quyết được các vấn đề có kiến thức liên môn. Tuy nhiên nhìn vào thực tế hiện nay, việc giáo viên áp dụng giáo dục STEM ở nhà trường phổ thông có thể nói là cực kỳ “khiêm tốn”, chỉ dừng lại ở chỗ dạy cho có… phong trào, chứ chưa thật sự phổ biến, chưa thật sự “chuyên môn”. Hạn chế này phải nhìn từ phương pháp - do giáo viên  ít được tập huấn, từ ý thức - do giáo viên còn suy nghĩ tiêu cực, không chịu đổi mới).
Đa số  giáo viên có thái độ rất bàng quan. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng, lấy ý kiến đóng góp và công bố từ rất lâu. Thế nhưng, nó còn “xa lạ” với nhiều giáo viên Lỗi này là do giáo viên thiếu ý thức chủ động, nhưng cũng phải quy cho các địa phương, các lãnh đạo nhà trường thiếu trách nhiệm làm cho giáo viên “thông suốt”.

Giáo viên phải chịu thay đổi

Giáo viên một trường THPT tại TP.HCM, được gọi là “cốt cán”, được trường cử đi tập huấn tại Bà Rịa - Vũng Tàu (gồm một số tỉnh khu vực phía Nam) cho biết: “Tôi cũng chẳng có năng lực gì nổi bật. Chẳng qua hết người, trường cử thì đi, vì nhiều giáo viên thiếu nhiệt tình, ngại xa nhà. Đi lại mất thời gian, ăn ở tốn kém, mà kết quả tập huấn quả chẳng được là bao”.
Đáng nói là, theo thầy giáo này,  giáo viên phải mất khá nhiều thời gian để học xem chương trình phổ thông mới là cái gì , phải học để soạn những đơn vị bài học chẳng mới mẻ gì nhiều so với trước đây. Giáo viên này quả quyết: “Nếu không có cách làm khoa học hơn, việc tập huấn sẽ dễ trở thành hình thức, hao tốn tài chính mà kết quả không được nhiều…!”.
Không phải chỉ ngày một ngày hai, cứ đến lộ trình thời gian đưa chương trình vào áp dụng là được. Mà phải có những bước đệm, bước chuẩn bị, chuyển tiếp. Bước này chính là sự thay đổi dần dà ở nhà trường phổ thông hiện nay về các mặt: linh hoạt về cách xây dựng chương trình học, thay đổi dần phương pháp dạy học, thay đổi dần cách thức kiểm tra đánh giá và cách quản lý ở nhà trường... Và cần nhất là tâm, thế và lực của đội ngũ giáo viên.
Muốn chương trình giáo dục phổ thông mới đạt được thành công,  giáo viên hiện nay cần phải dần... “lột xác”!
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.