Chương trình giáo dục phổ thông mới: Không 'đồng phục' một mô hình giáo dục

10/08/2018 08:44 GMT+7

Cuộc họp đóng góp ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông, do Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, diễn ra cả ngày hôm qua 9.8 với nhiều góp ý cụ thể trước khi ban hành chương trình môn học dự kiến trong tháng 8 này.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết: “Tôi rất mừng vì ý kiến của các chuyên gia hôm nay đồng thuận rất cao về nội dung chương trình, cách tiếp cận chương trình và chương trình môn học”.
Cần “mở” hơn
Trước đây, chúng ta đã “đồng phục” toàn bộ bằng một mô hình trường công ngay cả với trường tư...
Như vậy là không nên và tôi cho rằng cần phải mở cho nhiều mô hình trường học, lớp học khác nhau
Tiến sĩ Lương Hoài Nam
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một trong những đại biểu được mời tham dự cuộc họp này, cho PV Thanh Niên biết: “Tôi mong muốn chương trình sẽ có sự hoàn thiện thêm một bước nữa. Tôi lo nhất là xây dựng theo hướng đóng, còn khi đã xác định mở thì việc cần làm tiếp theo là xác định rõ ràng nó mở cho cái gì và mở như thế nào?”.
Ông Lương Hoài Nam cũng chỉ ra những nội dung “mở” cụ thể cần có trong một chương giáo dục hiện đại:
Thứ nhất, mở cho giáo dục STEM (giảng dạy các kiến thức liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học - NV) và muốn như vậy phải có thời gian vật chất cụ thể cho nó.
Thứ hai, phải mở cho chương trình giáo dục của địa phương. Đây là một chương trình áp dụng cho toàn quốc nên địa phương nào cũng phải thực hiện được, Hà Nội thực hiện được và Hà Giang cũng thực hiện được. Về bản chất, nó là chương trình tối thiểu chứ không phải tối đa. Do vậy, các địa phương có điều kiện và nhu cầu phải có quyền đưa chương trình của địa phương vào.
Thứ ba, phải mở để cho các môn học mới trong tương lai hình thành thì sẽ có điều kiện để được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường.
Thứ tư, phải mở cho các mô hình trường học khác nhau. Trước đây, chúng ta đã “đồng phục” toàn bộ bằng một mô hình trường công ngay cả với trường tư; rồi có khi lại thay bằng một mô hình trường khác nhưng cũng theo cách thức “đồng phục”. Như vậy là không nên và tôi cho rằng cần phải mở cho nhiều mô hình trường học, lớp học khác nhau.
Thứ năm, giáo dục phải mở để cho các phương pháp học tập khác nhau như học trực tuyến, học tại nhà mà xu hướng thế giới đang áp dụng.
Ngoài ra, ông Lương Hoài Nam cho biết có ý kiến đề xuất chương trình mở còn thể hiện ở việc trao quyền tự chủ, tự quyết nhất định cho các nhà trường, các sở GD-ĐT chứ không phải mọi việc đều dồn lên Bộ GD-ĐT và “ách tắc” ở đó.
Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu
Tôi đã thay mặt ban soạn thảo tiếp thu và giải trình tất cả những vấn đề. Chúng tôi đã đưa vào những nội dung giáo dục địa phương suốt 12 lớp từ tiểu học đến THPT.
GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Nói chung tư tưởng của ban soạn thảo và các chuyên gia, các đại biểu đều “gặp nhau” ở chỗ có một chương trình đảm bảo một mặt bằng đại trà cho cả nước và dành những phần cho các địa phương có điều kiện hơn để họ phát triển cho học sinh của mình”.
Xung quanh đề xuất của một số chuyên gia và những người quan tâm đến giáo dục về chương trình phải “mở” hơn nữa, GS Thuyết cho rằng đây là những góp ý rất đáng lưu tâm.
“Tôi đã thay mặt ban soạn thảo tiếp thu và giải trình tất cả những vấn đề đó. Vì luật Giáo dục hiện hành chỉ có chương trình giáo dục của quốc gia mà không quy định chương trình giáo dục địa phương hay chương trình nhà trường. Do vậy ban soạn thảo không đưa vào. Tuy nhiên chúng tôi đã đưa vào những nội dung giáo dục địa phương suốt 12 lớp từ tiểu học đến THPT”, GS Thuyết nói.
Ông Thuyết ví dụ ở tiểu học nội dung dành cho giáo dục địa phương thời lượng 35 tiết/năm học. Như vậy có tổng số 245 tiết cho 7 năm. Thời lượng như vậy là tương đối nhiều. Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương là thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Cách làm này khác với chương trình hiện hành ở chỗ chương trình hiện hành quy định ngay chương trình giáo dục địa phương ở một số môn học cụ thể như lịch sử, địa lý... và như vậy thì diện rất hẹp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có nhu cầu khác nhau về đào tạo công dân của mình.
Về tính chủ động trong công tác giáo dục của nhà trường, GS Thuyết lý giải: Nội dung phát triển trong chương trình tổng thể thì cũng nêu rõ là căn cứ vào tình hình thực tiễn thì có thể bổ sung, cập nhật. Bộ GD-ĐT có thể căn cứ vào tình hình cụ thể để có thể bổ sung những môn học mới, xây dựng chương trình cho những đối tượng đặc biệt.

Về việc thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử cho phù hợp, GS Thuyết cho biết chủ trương là kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ ổn định đến năm 2021. Từ năm 2021 khi chương trình mới được thực hiện đến cấp THPT thì sẽ phải có những thay đổi, nhưng từ nay đến lúc đó Bộ GD-ĐT còn phải nghiên cứu nghiêm túc.
Dự kiến ban hành chương trình môn học trong tháng 8
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết dự kiến trong tháng 8 chương trình các môn học sẽ được ban hành. Chương trình các môn học thì đã được các hội đồng thông qua và đang tiến hành biên tập về mặt kỹ thuật. “Từ nay đến khi Bộ trưởng GD-ĐT đặt bút ký thì chúng tôi vẫn tiếp thu tất cả các ý kiến để hoàn thiện ở mức cao nhất. Một trong những yêu cầu của Bộ trưởng GD-ĐT đặt ra là phải rà soát kỹ tính khoa học, tính khả thi của chương trình. Quan trọng là có phù hợp với điều kiện của VN và có gây quá tải với người học hay không”,GS Thuyết nói.
Tại cuộc họp hôm qua, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học VN, góp ý 1 - 2 môn cụ thể như âm nhạc còn nặng, yêu cầu cao. Về môn văn, đại diện Hội Nhà văn sau khi nhận được dự thảo mới nhất của chương trình môn ngữ văn cũng đã hài lòng sau khi có góp ý của Hội và dư luận. Hội Lịch sử nêu quan điểm về dạy học tích hợp môn lịch sử ở các cấp tiểu học và THCS...
GS Thuyết cũng cho biết sau khi dạy thực nghiệm môn học ở các địa phương đã giúp ban soạn thảo rất nhiều trong việc điều chỉnh. Đặc biệt, một số môn giáo viên góp ý những bài còn nặng thì đã rà soát, báo cáo hội đồng thẩm định để tiếp thu, chỉnh sửa. “Chương trình này được chuẩn bị khá công phu nên sau khi nghe các ý kiến chuyên gia góp ý thêm nhưng đa số ủng hộ thì chúng tôi thấy cũng rất mừng”, GS Thuyết chia sẻ thêm.
Thành phần tham dự cuộc họp lấy ý kiến có các thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội; Bộ GD-ĐT; Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN; Tổng cục Thể dục - thể thao; Các hội khoa học lịch sử, toán học, các ngành sinh học và Hội Nhà văn VN... Các chuyên gia là những người quan tâm đóng góp, phản biện trước các chủ trương, chính sách lớn của ngành GD-ĐT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.