Chuyện thật như đùa ở Hà Nội: học sinh tiêu biểu được tặng hộp quà rỗng

23/05/2019 19:21 GMT+7

Những học sinh tiêu biểu nhất của quận Cầu Giấy được Phòng GD-ĐT tổ chức tuyên dương và lên sân khấu nhận những hộp quà hoành tráng, nhưng khi trở về thì các em ngỡ ngàng khi đó chỉ là những chiếc hộp rỗng.

Ngày 21.5 vừa qua, cùng với một số quận, huyện khác ở Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi  tiêu biểu trên địa bàn quận. Tại lễ tuyên dương, sau báo cáo thành tích mà học sinh đoạt được tại các kỳ thi quốc tế với hàng chục huy chương, giải thưởng; hàng trăm giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố…. là phần học sinh mong đợi: trao thưởng.
Học sinh háo hức, tự hào bước lên sân khấu nhận những hộp quà to đùng được bọc gói giấy hoa cẩn thận, bên ngoài có dòng chữ: "Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy khen thưởng học sinh tiêu biểu” in hoa rất rõ ràng. Không háo hức sao được khi mà trong hàng chục nghìn học sinh của quận, chỉ có rất ít em được khen thưởng tại buổi lễ này. Nhưng đến khi mở hộp quà ra thì học sinh ngỡ ngàng vì bên trong chỉ là một mảnh giấy màu vô nghĩa, nó thực chất là một hộp quà rỗng ruột.
Một số phụ huynh thấy con băn khoăn về hộp quà rỗng và bản thân họ cũng thấy quá vô lý nên đã mang thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm của con nhờ hỏi ban tổ chức buổi tuyên dương thì được trả lời rằng, đó là phần thưởng tượng trưng, tiền thưởng các trường sẽ tới phòng tài chính để nhận và trao.
Đến lúc này thì tâm trạng của phụ huynh chuyển sang bức xúc thật sự. Họ cho rằng, ban đầu thì nghĩ rằng có sự nhầm lẫn của ban tổ chức nên đã quên không cho quà tặng các con vào hộp trước khi đóng gói. Nhưng khi được nghe giải thích như vậy thì họ cảm thấy điều khó chấp nhận nhất không phải là phần thưởng mà cách hành xử của người lớn như vậy thể hiện sự thiếu tôn trọng trẻ em, không nghĩ đến cảm xúc của con trẻ. Chỉ cần một tấm bằng khen và được tuyên dương là các con đã rất vui rồi, không cần một thùng quà rỗng như vậy.
Ngày 23.5, trả lời báo chí, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, lý giải mấy năm gần đây, Phòng vẫn tặng phần thưởng cho học sinh tiêu biểu của quận theo hình thức chuyển tiền thưởng cho các cháu về trường để trao cho học sinh. Phòng đã yêu cầu các nhà trường phải chuyển tiền thưởng tới tay học sinh trước khi các cháu lên sân khấu. Một số trường chưa đưa kịp trao nên đã "gây hiểu lầm”.
Theo ông Ngọc Anh, sở dĩ Phòng GD-ĐT phải làm như vậy vì mấy năm trước khi trao phần thưởng bằng tiền cho các cháu, đã có cháu đánh mất.
Mở hộp quà hoành tráng ra chỉ là một mảnh giấy màu vô nghĩa ẢNH P.H CUNG CẤP

Sợ các cháu làm rơi tiền hơn sợ các cháu "rơi mất niềm tin"?

Tuy nhiên, lý giải này của người đứng đầu ngành GD-ĐT quận Cầu Giấy không làm dịu bức xúc của dư luận. Trên một số diễn đàn liên quan tới giáo dục, câu chuyện này nhận được quan tâm bình luận của rất đông thành viên, đa số tỏ ra phẫn nộ và bình luận “không thể hiểu nổi”. Nhiều người cho rằng, câu chuyện không đáng có này chính là thói quen của bệnh sính hình thức đã quá ăn sâu vào trong nhận thức và hành động của cơ quan công quyền, chỉ đáng buồn là nó lại là cơ quan giáo dục.
Một thành viên bình luận: “Thật không thể hiểu nổi nữa, họ sợ các cháu làm rơi mất tiền, nhưng họ không nghĩ rằng làm như thế các cháu sẽ rơi mất niềm tin. Phụ huynh chấp nhận việc các cháu có thể làm rơi mất tiền nhưng thật đau lòng khi con mất niềm tin…”.
Có phụ huynh thì lại tỏ ra đã quen với điều này và cho rằng “cái sai ở đây là không báo trước cho các con, chứ con nhà mình được thông báo trước nên con thấy rất bình thường khi lên nhận hộp không…”
Một thành viên có tên L.K.V viết: “Đúng là thùng rỗng kêu to. Chả là hình thức còn gì. Trẻ con không hiểu là “quà có hạn” hay “sợ trao nhầm” đâu; đã mang tiếng vinh danh thì làm cho đúng, cho chuẩn, cho có ý nghĩa. Hàng chục năm rồi toàn làm như thế này nên phụ huynh mới coi là bình thường, mà thực tế thì không “thường” chút nào".
Thành viên H.H thì bình luận: "Hiện tượng này diễn ra nhiều nơi chứ không riêng gì ở quận Cầu Giấy. Đây không phải là việc họ cố tình lừa học sinh, nhưng đây là một trong những biểu hiện của bệnh thành tích trong giáo dục. Người ta xem trọng hình thức (chụp ảnh, lên sóng truyền hình…) hơn là việc giáo dục trẻ em, làm tổn thương niềm vui, lòng trung thực và nhiềm tự hào về bản thân của các con…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.