Cơ chế chủ quản xung đột tự chủ đại học?

14/06/2019 07:27 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà có sự xung đột giữa trường đại học với cơ quan chủ quản, diễn ra ngay trước thời điểm luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ 1.7.2019.

Theo các chuyên gia, dù các nhà hoạch định chính sách có tham vọng luật Giáo dục đại học (ĐH) mới sẽ thúc đẩy tự chủ ĐH nhưng với cơ chế chủ quản vẫn hiện diện trong luật, thông qua các điều khoản có tính ràng buộc với các luật khác, thì những xung đột tương tự vẫn sẽ tái diễn.

Luật tạo điều kiện thực hiện tự chủ

Ngày 19.11.2018, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH đã được Quốc hội thông qua. Theo Bộ GD-ĐT, luật Giáo dục ĐH sửa đổi tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH... Luật đã mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ ĐH trong toàn hệ thống.
Trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH. Cơ sở ĐH tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của mình. Luật thể hiện chủ trương tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát hợp lý chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, với luật sửa đổi, hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. Hội đồng trường thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính... Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành hoạt động của trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường... phù hợp với thông lệ quốc tế. Về quản lý tài chính, tài sản, luật bổ sung/sửa đổi các quy định nhằm đảm bảo tạo cơ chế thông thoáng và hiệu quả, phù hợp với từng loại hình ĐH để tạo điều kiện thực hiện tự chủ.

Luật chưa thi hành, đã thí điểm mở rộng ngoài luật

Nếu phải qua Bộ chủ quản thì mình phải làm tờ trình, rồi giải trình - giải thích. Bộ xem thì lại phải lấy ý kiến các vụ, cục này khác, nên nó mất thời gian

PGS Hoàng Minh Sơn

Dù được đánh giá cao như thế nhưng ngay trong thời gian hoàn thiện dự thảo luật, 3 trường ĐH công lập đã phải “âm thầm” viết đề án để Bộ GD-ĐT trình Chính phủ, xin phép cho các trường này thí điểm mở rộng tự chủ, gồm: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP.HCM. Mới đây, Chính phủ đã có nghị quyết cho phép thực hiện các đề án này. Theo đó, 3 trường nói trên sẽ được mở rộng quyền tự chủ trong quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công; phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ; giấy phép cho người nước ngoài; tuổi hưu cho chủ tịch hội đồng trường...
Như vậy, từ sau 1.7, hầu hết trường ĐH công lập sẽ được hưởng lợi của quá trình “thúc đẩy thực hiện tự chủ” từ luật Giáo dục ĐH mới, nhưng vẫn phải theo “quy định của pháp luật” và chịu sự chi phối của “cơ quan có thẩm quyền. Riêng có 3 trường sẽ được “tự chủ hơn” ở vài hoạt động, mà biểu hiện là ở mức độ “thoát ly” cơ quan chủ quản, là cơ quan quản lý nhà nước cấp trung gian.

Vướng các luật khác

Bộ VH-TT-DL có nhiều trường ĐH nhất
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có 171 trường ĐH công lập (không tính các trường thuộc 2 bộ Công an và Quốc phòng), nhưng trong đó chỉ có 3 ĐH vùng, 33 trường ĐH và học viện thuộc Bộ GD-ĐT. Trực thuộc Chính phủ có 2 ĐH quốc gia. Những bộ/ngành có nhiều trường ĐH nhất hiện nay là Bộ VH-TT-DL (12 trường), Bộ Y tế (11 trường), Bộ Công thương (10 trường). Tiếp theo có các bộ GTVT, LĐ-TB-XH, NN-PTNT, Tài chính (mỗi bộ 4 trường), Xây dựng (3 trường)... Các ngành gần đây nhất tiếp tục mở thêm trường có Tòa án nhân dân tối cao (1 trường), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (1 trường).
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thực chất của việc thực hiện thí điểm mở rộng quyền tự chủ chỉ là để giúp trường giảm bớt các thủ tục hành chính, chẳng hạn như có thể tự quyết định mà không phải xin ý kiến Bộ chủ quản, thông qua đó tăng quyền chủ động của nhà trường. Dù luật Giáo dục ĐH mới tăng cường vai trò tự chủ của trường nhưng phạm vi tác động chỉ là luật chuyên ngành, nên khi các trường ĐH triển khai các hoạt động vẫn chịu sự ràng buộc của các luật liên quan.
Mặt khác, cho dù được thí điểm mở rộng tự chủ thì Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn phải tuân theo luật, nên ý nghĩa của việc mở rộng chỉ giới hạn ở việc giảm thủ tục xin - cho với cấp trung gian, tức Bộ chủ quản. Ví dụ, theo các luật hiện hành, Bộ Khoa học - Công nghệ phân bổ kinh phí sự nghiệp về khoa học công nghệ cho các bộ ngành, địa phương, sau đó các bộ ngành địa phương phân về cho các đơn vị trực thuộc. Nhưng nếu được mở rộng tự chủ, trường sẽ được làm việc và nhận trực tiếp khoản này mà không phải qua cấp trung gian là Bộ GD-ĐT.
PGS Hoàng Minh Sơn nói: “Nếu phải qua Bộ chủ quản thì mình phải làm tờ trình, rồi giải trình - giải thích. Bộ xem thì lại phải lấy ý kiến các vụ, cục này khác, nên nó mất thời gian”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Trường ĐH, CĐ VN, cho biết các trường ĐH hiện nay quan tâm nhất về quyền tự chủ ĐH chủ yếu ở 2 mặt là tổ chức bộ máy, nhân sự và tự chủ tài chính. Luật Giáo dục ĐH mới đã thúc đẩy thông qua thiết chế hội đồng trường, nhưng các quyết định của hội đồng trường vẫn phải tuân thủ các luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức; luật Lao động... trong khi những luật này có nhiều quy định không phù hợp với mô hình giáo dục ĐH chuẩn mực quốc tế. Về tự chủ tài chính, quyền tự chủ ĐH bị vướng các luật Quản lý tài sản nhà nước, luật Đầu tư công, luật Đất đai... trong khi các luật này chưa được điều chỉnh kịp theo tinh thần chủ trương của Đảng, xem tự chủ là đặc tính tự thân của giáo dục ĐH, mà vẫn đề cao vai trò của cơ quan chủ quản. Sự thiếu đồng bộ về hành lang pháp lý ấy đã vô hiệu hóa một số tiến bộ mà luật Giáo dục ĐH đạt được.
Ông Khuyến nêu ví dụ: Khoản 1 điều 16 luật Giáo dục ĐH mới quy định về vai trò, thẩm quyền hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Nhưng luật vẫn giữ lại cơ chế công nhận quyết định của hội đồng trường về kết quả bầu hiệu trưởng cho cơ quan có thẩm quyền, tức cơ quan chủ quản.
Theo GS Lâm Quang Thiệp, Trường ĐH Thăng Long, thực tế hiện nay cho thấy vị thế của chủ tịch hội đồng trường phần lớn thấp hơn vị thế của hiệu trưởng. Nguyên nhân quan trọng là cơ chế “Bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” đã vô hiệu hóa tác dụng của hội đồng trường.
Trong tiến trình đổi mới giáo dục ĐH, cơ chế quản lý theo mô hình “Bộ chủ quản” đã được cải tiến dần nhưng hai lĩnh vực quan trọng nhất vẫn nằm trong tay Bộ chủ quản là tài chính và nhân sự. Mặc dù trong một nghị quyết ban hành năm 2016 của Chính phủ cũng yêu cầu giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường ĐH, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản. Tuy nhiên các ý tưởng đã không thể nào thể chế hóa trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi vì còn vướng các luật khác. 
Trường ĐH thuộc bộ/ngành gắn với nền kinh tế bao cấp
Theo TS Lê Viết Khuyến, sở dĩ có trường ĐH trực thuộc các bộ ngành là bởi nó gắn liền với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thời bao cấp. Theo đó, mỗi bộ, ngành quản lý mọi hoạt động gắn liền với ngành mình, trong đó có đào tạo và cung ứng nhân lực cho ngành. Các trường ĐH trực thuộc các bộ, ngành này có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cung cấp cho các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp quốc doanh. Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, nền kinh tế chấp nhận các thành phần kinh tế khác nhau, vì thế các trường ĐH cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác nhau đó. Lẽ ra sau đó phải xuất hiện xu hướng các trường ĐH chuyển về Bộ GD-ĐT nhưng nhiều bộ vẫn không chịu chuyển nên tình trạng các bộ, ngành đều có trường ĐH trực thuộc kéo dài cho đến nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.