Cơ chế chủ quản xung đột tự chủ đại học: Một trường, lắm đầu mối quản lý nhà nước

15/06/2019 09:54 GMT+7

Theo các chuyên gia, bản thân luật Giáo dục ĐH không giải quyết được mối quan hệ giữa trường ĐH với cơ quan chủ quản, khi tư duy cơ chế chủ quản tồn tại trong khắp hệ thống. Trong khi đó, nếu duy trì cơ chế này, giáo dục ĐH không những không thể phát triển mà còn lệch lạc.

Duy trì chủ quản là đi ngược lại chủ trương
Để ĐH thực sự được tự chủ, trước hết ĐH cần được giải phóng ra khỏi bộ chủ quản
TS LÊ VIẾT KHUYẾN  (Hiệp hội Trường ĐH, CĐ VN)
Theo các chuyên gia, cơ chế chủ quản là một mô hình quản trị ĐH tập quyền, chỉ đạo ĐH từ trên xuống thông qua các chỉ thị, thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn… mà trong đó đầu mối nhận các mệnh lệnh để triển khai là hiệu trưởng. Cơ chế bộ chủ quản thể hiện trong luật Giáo dục ĐH cả cũ và mới đều không rõ nét. Ở luật cũ, cơ chế này chủ yếu thể hiện ở các văn bản dưới luật liên quan tới các quy định như quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phân bổ nguồn lực cho cơ sở đào tạo ĐH công lập… Nhưng các chuyên gia cũng không kỳ vọng vào các văn bản dưới luật của luật mới khi các quy định này chịu sự chi phối của nhiều luật khác.
Lợi ích mà các trường được nhận từ mô hình quản trị ĐH tập quyền sẽ là sự đảm bảo về tài chính chi hoạt động thường xuyên của cơ quan cấp trên “rót” xuống. Nhưng thực tế từ nhiều năm nay, nhiều cơ sở đào tạo không còn được nhận ngân sách nhà nước cho hoạt động thường xuyên, kể cả đơn vị chưa tự chủ toàn diện (chỉ mới tự chủ tài chính).
Theo luật Giáo dục ĐH mới, cơ sở giáo dục ĐH công lập vẫn tiếp tục là đơn vị sự nghiệp tự chủ, mặc dù những khoản đầu tư của nhà nước vào xây dựng cơ bản và chi thường xuyên lần lượt chấm dứt trong vòng 5 năm tới. Đầu tư công dưới dạng dự án quốc gia vào các chương trình trọng điểm sẽ đi theo phương thức đấu thầu sản phẩm đầu ra, và như vậy sẽ không còn phân biệt công hay tư trong khoản đầu tư này. Vì vậy, việc duy trì cơ chế chủ quản không chỉ là đi ngược lại với chủ trương thúc đẩy tự chủ ĐH, cản trở sự phát triển và hội nhập của nền giáo dục ĐH mà còn không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho các trường.
Theo GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp VN, với cơ chế bộ chủ quản hiện nay, tuy nhà nước giao cho các trường ĐH tự chủ trên giấy tờ, nhưng lại trói buộc trường trong thực tế. Ngoài những ràng buộc bởi các luật, vấn đề quan trọng nằm ở chỗ người thực hiện, quan điểm của người đứng đầu cơ quan cấp trên. Cùng một chính sách đó, nếu người lãnh đạo cấp trên có tư tưởng bảo thủ thì công cuộc tự chủ của trường sẽ có nhiều khó khăn.

Khổ vì bị quản lý chồng chéo

Theo TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục VN, đứng trước đòi hỏi tự chủ ĐH hiện nay, các trường ĐH sẽ phải đối mặt với câu hỏi: ai sẽ vận hành và quản trị nhà trường ĐH?

Với sự chuyển đổi từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, các trường ĐH VN đang phải xử lý một số vấn đề liên quan tới mối quan hệ rất nhằng nhịt. Hiện nay, cơ quan đại diện cho nhà nước xử lý các vấn đề tài chính, nhân sự, tài sản và các hoạt động đào tạo - nghiên cứu của nhà trường có nhiều đầu mối, gồm các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về con người.
Từ thực tế này, TS Lê Đông Phương kiến nghị nên chăng có một cơ quan đệm giữa trường ĐH và tất cả các cơ quan nhà nước, tương tự mô hình UFC (hội đồng cung cấp tài chính ĐH, người đứng đầu hội đồng do quốc hội bầu ra) của Anh để giảm thiểu đầu mối và sự chỉ đạo không nhất quán đối với các trường ĐH cũng như tạo sự đầu tư công bằng cho tất cả các trường. Đặc biệt, nên thiết lập lại vị trí của hội đồng khoa học thành cơ quan quyền lực học thuật, đồng thời đảm bảo tính dân chủ trong nhà trường.
Còn TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Trường ĐH, CĐ VN, cho rằng để giáo dục ĐH phát triển đúng hướng, việc thành lập hội đồng trường cần thực chất chứ không nên đua theo phong trào như hiện nay. “Để ĐH thực sự được tự chủ, trước hết ĐH cần được giải phóng ra khỏi bộ chủ quản, đến đây thì mới cần có hội đồng trường. Việc vẫn tồn tại bộ chủ quản sẽ làm cho các hội đồng trường đã thành lập hoạt động rất khó khăn, mang tính hình thức. Vì thế, chỉ cần các trường ĐH công đã tự chủ (tức không còn bộ chủ quản) thì mới thực sự cần hội đồng trường”, TS Khuyến cho hay.

Không có cấp trên cũng... khổ

Hiện nay, chỉ duy nhất Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội được nâng cấp lên thành trường ĐH năm 2015, là trường duy nhất không có cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, ngay sau khi được nâng cấp lên ĐH một năm, vào năm 2016, trong một hội nghị về thí điểm ĐH tự chủ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, trường đã đưa kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn hoạt động riêng dành cho loại hình trường không có… cấp trên. Một rắc rối có tính điển hình trường gặp phải mà đích thân Phó thủ tướng phải có ý kiến là chuyện đi làm con dấu. Thoạt tiên, Công an TP.Hà Nội không chịu cấp dấu cho trường do không biết trường thuộc bộ nào. Trường phải làm đơn gửi Tập đoàn dệt may (tiền thân trường là đơn vị thuộc Tập đoàn dệt may), Tập đoàn dệt may chuyển lên Văn phòng Chính phủ. Sau đó, khi ra quyết định thành lập hội đồng trường, công nhận hiệu trưởng do hội đồng trường giới thiệu, trường phải… “mượn” cơ quan cấp trên là Bộ Công thương.
Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, hiệu trưởng nhà trường, thực tế trong 4 năm qua, trường đã không ít lần rơi vào tình huống phải “mượn” cấp trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.