Bộ GD-ĐT cho biết có 2 tuần dự trữ và các trường được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp sau khi mở cửa trở lại.
Xây dựng kế hoạch dạy bù nhưng không dồn ép
Trong chuyến thăm các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý các trường học có thể linh hoạt sắp xếp kế hoạch dạy học của trường ứng với điều kiện thực tế. Sau khi học sinh (HS) đi học trở lại, các trường có thể giãn chương trình, xây dựng kế hoạch dạy bù. Ông Nhạ cũng lưu ý kế hoạch dạy bù cần phù hợp để HS được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, đảm bảo HS tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho HS sau đợt nghỉ do mưa lũ.
Ông Nhạ cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã và đang kêu gọi các nhà xuất bản, nhà hảo tâm cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học cho các trường học, đảm bảo HS vùng lũ khi đến trường có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết mỗi năm học sẽ có 2 tuần dự trữ để các cơ sở giáo dục sử dụng dạy bù khi phải nghỉ học do thiên tai, bệnh dịch… Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT lâu nay đã trao quyền chủ động cho từng nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy học nên các trường sẽ không gặp khó khăn nếu HS nghỉ học trong một vài tuần.
Ngoài thời gian dự trữ như trên, theo ông Thành, khi HS có thể đến trường trở lại, các trường cần xây dựng kế hoạch dạy bù cho HS, có thể dạy trực tiếp hoặc trực tuyến ở nơi có đủ điều kiện. Ông Thành lưu ý: "Kế hoạch dạy bù của các cơ sở giáo dục cần chi tiết đến từng HS. Các trường cần thông báo cho những HS này tiếp tục nghỉ học để đảm bảo an toàn và tổ chức học bù vào thời điểm phù hợp".
Cũng theo ông Thành, hiện Bộ GD-ĐT chưa nhận được băn khoăn nào từ phía các sở GD-ĐT vùng lũ về việc chậm tiến độ chương trình, Bộ cũng đã trực tiếp đến một số địa phương và thường xuyên gọi điện, trao đổi để nắm bắt tình hình của ngành GD-ĐT các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, cơn bão sắp tới lại khiến một loạt tỉnh phải cho HS nghỉ học. “Tinh thần là chúng tôi sẽ theo dõi sát sao diễn biến thực tế và có hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời để các cơ sở giáo dục xử lý các vấn đề phát sinh”, ông Thành nói.
Lo nhất học sinh đói ăn, đói sách
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT, bà Dương Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hàm Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), cho biết 2 đợt lũ liên tiếp trong hơn 2 tuần qua đã làm cơ sở vật chất trường lớp bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Mức nước cao tới 2,5 - 3 m làm hư hỏng toàn bộ hệ thống bơm lọc nước bể bơi của nhà trường, hư hỏng nhiều cơ sở vật chất, cuốn trôi hàng trăm bộ thiết bị dạy học, sách vở...
Nhưng nỗi lo lắng lớn nhất với các thầy cô nơi đây không phải là những thiệt hại của nhà trường mà là nỗi lo HS bị đói. Bà Hải thông tin trong hơn 300 HS của trường, có tới 90% là con em gia đình làm nghề nông, đợt lũ vừa qua đã cuốn trôi thóc lúa, tài sản của gia đình các em, nỗi lo thiếu đói ảnh hưởng đến việc học là nỗi lo hiện hữu. Ngoài ra, trường còn có 25 HS thuộc diện rất khó khăn, hằng ngày phải đi đò qua sông để đi học, đợt lũ vừa qua càng làm cho cuộc sống gia đình các em khó khăn hơn, tới đây bữa ăn bán trú của các em cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tại tỉnh Quảng Bình, có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị lũ nhấn chìm. Đặc biệt, đồ dùng học tập, sách vở của HS vùng lũ đã bị hư hỏng do ngâm nước lâu ngày. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính 360 tỉ đồng. Còn theo thống kê của tỉnh Hà Tĩnh, có khoảng hơn 20.000 HS tỉnh này chịu ảnh hưởng về sách vở, đồ dùng học tập do đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, vì vậy, sau lũ, số lượng sách vở, đồ dùng học tập cần để hỗ trợ cho HS là rất lớn...
Giảng dạy lối sống bền vững trước thiên tai, thảm họa
Quan trọng hơn cả, mỗi giáo viên, nhà trường và gia đình phải giảng dạy cho các HS lối sống bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn đơn giản nhất, là thói quen biết tiết kiệm điện, nước, tăng cường đạp xe để bớt khí thải, trồng thật nhiều cây xanh để trái đất xanh hơn.
Một giáo viên tại Quảng Ninh cho biết hiện nay ngoài bão gió là thiên tai, con người cũng đối mặt với chính những “nhân tai” do khai thác quá mức than đá, tàn phá rừng để xây dựng công trình, do đó mưa lũ, sạt lở gây hậu quả ngày càng thảm khốc hơn... do đó mỗi giáo viên cần giảng dạy cho các em ý thức sống bền vững, biết tiết kiệm tài nguyên, hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ cây xanh...
Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên hóa học Trường THPT Tân Phú, TP.HCM, cho rằng trong các bài học, thầy giáo dục ý thức HS về bảo vệ môi trường, chủ động chống biến đổi khí hậu toàn cầu, tham gia nghiên cứu giải pháp để tìm nguồn nguyên nhiên liệu mới xanh và sạch, thân thiện môi trường thay thế cho nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt và phát thải CO2 ra môi trường... Thầy chỉ ra cho trò, chính những điều trên làm cho hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đang dần nguy hiểm, bão lũ xảy ra liên tục, thiên tai đe dọa sự sống của loài người trên trái đất ...
Thúy Hằng
|
Bình luận (0)