Cô giáo trẻ xinh đẹp 'phạt' học trò... ôm nhau sau khi gây gổ

23/05/2020 17:40 GMT+7

Từ một thí sinh theo học sư phạm do mẹ định hướng, sau vài năm đi dạy, cô giáo trẻ Lê Thùy Linh cảm thấy ngôi trường tiểu học với những ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên chính là nơi mình sẽ gắn bó và yêu thương.

"Bắt" hai học sinh vừa đánh lộn phải... ôm nhau

Lê Thùy Linh (25 tuổi) tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, đang là giáo viên của Trường tiểu học Trần Cao Vân, TP.Buôn Mê Thuột. Mới đây, một clip ghi lại cảnh 2 nam sinh nhí "bị" cô giáo phạt bằng cách... ôm hôn nhau sau khi đánh nhau, đã được chia sẻ rầm rộ. Hình ảnh 2 cậu học trò lớp 3 mặc đồng phục, một cao, một thấp thực hiện "hình phạt" ôm hôn nhau mỗi bên 5 lần nhưng mặt vẫn còn xị xuống khiến ai xem cũng buồn cười. Clip này do Thùy Linh quay lại và Linh chính là "tác giả" của hình phạt dễ thương này.

Hình ảnh học trò "bị" phạt ôm nhau được Linh ghi lại

Thùy Linh

Linh kể: "Hôm đó, 2 học trò nam có mâu thuẫn nên đánh nhau. Đến giờ ra chơi, mình bèn gọi hai bạn lên. Sau khi khuyên các bạn chung lớp phải hòa thuận, yêu thương nhau, không được đánh lộn, mình đề nghị 2 bạn phải ôm hôn nhau để thể hiện tinh thần đó. Và các con cũng đồng ý làm theo dù mặt vẫn còn hơi khó chịu. Thấy dễ thương nên mình quay lại cảnh này. Thực ra mình cũng mới nghĩ ra cách này vì trước giờ các con thường chỉ quậy nghịch thôi chứ ít khi đánh nhau. Mình cho rằng trong tình huống đó mình không nên la mắng học trò, vì mình thì mệt mà chưa chắc đã hiệu quả. Phạt bằng cách ôm nhau có khi sẽ khiến các con nhớ lâu hơn, điều đó cũng nhắc cho các con nhớ là bạn chung lớp thì phải luôn thân thiện không được gây gổ, đánh nhau".
Theo Linh, sau đó 2 học trò trở về chỗ và đã vui vẻ, "bình thường hoá" quan hệ, không còn gây gổ với nhau nữa.

Thương học trò thiệt thòi

Linh cho biết, lớp do Linh chủ nhiệm đa số các em có hoàn cảnh khó khăn, với khoảng 40% học sinh có cha mẹ ly dị, phải ở với ông bà, còn lại thì cha mẹ đi làm ăn xa.
"Nhiều lúc các con quậy nghịch, không chịu nghe giảng hoặc về nhà không làm bài, rồi phạm lỗi... mình cảm thấy rất buồn. Có những bé học yếu nhưng gia đình cũng không quan tâm kèm cặp thêm, khi trao đổi thì phụ huynh cũng không hợp tác... mình cảm thấy vô cùng bất lực. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh đáng thương của một số bé, mình lại thấy lòng chùn lại. Khi các con mắc lỗi thì lại thủ thỉ khuyên bảo chứ không la, không phạt. Sau giờ học mình giữ bạn nào học yếu ở lại lớp để kèm thêm", Linh chia sẻ.

Bức thư tay học trò viết gửi cô giáo Linh

Thùy Linh

Dù nhiều lúc áp lực, nhưng bù lại, sau nhiều năm đi dạy, Linh nhận được không ít tình cảm yêu thương của học trò. Linh cho biết: "Có một bé làm liên đội trưởng, mồ côi mẹ nên tính tự lập rất cao. Một lần không hoàn thành công việc nên bé bị muốn "từ chức". Bé khóc và tâm sự với mình. Mình phân tích cho bé hiểu, thế là bé không từ chức nữa. Từ đó trở đi, đến ngày lễ hay sinh nhật của mình, bé đều viết thư tay cho mình".
Rất nhiều học trò khác luôn thỏ thẻ nói thương cô, quý cô nên đã truyền cảm hứng cho Linh nhiều hơn, để Linh cảm thấy yêu nghề giáo vô cùng. Dù trước đó, Linh cho hay mình đăng ký học sư phạm là do... mẹ viết hồ sơ cho chứ không phải mình lựa chọn.

Thùy Linh cảm thấy ngày càng yêu nghề hơn

JAKUB PUCEK

"Lúc đầu mình chưa trải nghiệm được tất cả các tình huống, chưa thực sự thấy yêu nghề giáo nên mỗi ngày đến trường là một ngày đầy áp lực. Còn bây giờ, mỗi ngày đến lớp mình luôn cảm thấy vui vẻ, yêu thương học trò dù có chuyện gì xảy ra. Mình thích nói những câu hài hước để học trò vui, thích lắng nghe, chia sẻ bất cứ câu chuyện vui hay buồn hay thậm chí ngốc nghếch, ngô nghê của học trò. Mình thấy yêu và gắn bó với môi trường làm việc này", cô giáo trẻ Thuỳ Linh bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.