Cô hiệu phó dạy học sinh chống xâm hại tình dục

15/04/2019 07:59 GMT+7

Khi dư luận đang xôn xao về vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy ở TP.HCM, lớp dạy kỹ năng sống của cô giáo Phạm Thị Thùy Loan (Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng) có ngay một buổi học rất 'thời sự': Cách nào để chống xâm hại tình dục ?

 

Từ lý thuyết đến tự vệ

Mô hình đáng để các trường nhân rộng

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, nhận xét mô hình lớp học kỹ năng sống tại Trường THCS Nguyễn Huệ do cô Phạm Thị Thùy Loan là một điển hình. “Cô Loan là một giáo viên làm tổng phụ trách Đội đầy tài năng, nhiệt huyết, đã được nhận danh hiệu Giáo viên làm tổng phụ trách Đội xuất sắc cấp quốc gia năm 2015. Sở GD-ĐT TP đánh giá cao sự sáng tạo và năng lực của cá nhân cô giáo Loan. Đây là một mô hình để các đơn vị, trường học tham khảo, nhân rộng”, bà Thuận nói.
Đều đặn mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, lớp dạy kỹ năng sống miễn phí của cô Loan bắt đầu với sự tham gia của hơn 30 học sinh (HS), độ tuổi 10 - 16. Cô Loan thường bắt đầu bài giảng bằng những câu hỏi thú vị về những từ khóa đang được quan tâm. “Các em có biết vụ việc người đàn ông đụng chạm vào thân thể em gái trong thang máy của một chung cư tại TP.HCM?”, cô Loan hỏi. Các HS nhanh nhảu trả lời, kèm theo những bình luận như các em rất sợ hãi khi đi thang máy một mình hoặc đó là hành vi đáng lên án. Thấy buổi học bắt đầu nóng lên, cô Loan liền thông tin thêm các vụ việc bé gái lẫn bé trai bị xâm hại tình dục cùng các con số liên quan.
Cô Loan cho biết tại VN, cứ trung bình 8 giờ đồng hồ lại có 1 trẻ em bị xâm hại tình dục. Sau khi đưa ra các dẫn chứng, cô chỉ rõ hành vi xâm hại tình dục là thế nào để các HS nhận biết. Nhiều HS ngỡ ngàng cho biết, các em đã từng bị đụng chạm vào cơ thể nhưng cứ nghĩ đó là những hành động vô ý từ người lớn. Trong bài giảng của mình, cô Loan cũng khéo léo tổ chức các trò chơi rồi tế nhị lồng ghép thông điệp của mình. Chẳng hạn, với việc cho HS tìm gương mặt của “yêu râu xanh”, cô khẳng định: ai cũng có thể trở thành kẻ xâm hại. Từ đó, cô chỉ cách để HS chủ động bảo vệ mình, như: đóng cửa khi ở nhà một mình, không đi một mình ở nơi vắng vẻ…
Cô Loan chia sẻ, vấn đề tình dục rất nhạy cảm, nhất là đối với các HS đang trong độ tuổi tiểu học, THCS. Bởi vậy, mỗi bài giảng của mình, ngoài việc chọn cách trình bày sao cho thu hút, cô Loan luôn phải tìm từ ngữ, hình ảnh phù hợp để vừa tránh phản cảm vừa mang lại hiệu quả. “Đối với buổi học về chống xâm hại tình dục, sau phần nói chuyện, giải thích mang tính lý thuyết, các HS sẽ xuống sân trường để tham gia vào phần học võ.

“Cần thêm những thân cây khác…”

Hơn 10 năm trước, cô giáo Loan làm Tổng phụ trách Đội tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với HS trong các hoạt động ngoại khóa, lại am hiểu tâm lý tuổi mới lớn, cô thấy mình cần phải làm gì đó để bổ khuyết kỹ năng mềm cho các em. “Hoặc chí ít cũng giúp các em tránh xa những tiêu cực, hình thành nhân cách tốt hơn”, cô Loan tâm sự. Với suy nghĩ đó, năm 2012, cô đề xuất và được nhà trường cho thành lập CLB Kỹ năng sống Bồ Công Anh đồng hành cùng các HS.
Cô hiệu phó dạy học sinh chống xâm hại tình dục
Lớp học võ tự vệ được tổ chức cùng buổi dạy
Cũng bởi tính dễ gần, quan tâm và lắng nghe HS mà không biết từ khi nào, cô Loan trở thành địa chỉ để các em trút bầu tâm sự mỗi khi gặp những khó khăn. Nhiều HS manh nha tính nổi loạn được cô Loan khuyên lơn, nói chuyện chân tình đã dần thay đổi tâm tính. Có trường hợp nữ sinh muốn tự tử, cô kiên trì tháo gỡ từng nút thắt, động viên giúp em vượt qua những bế tắc.
Hè 2016, cô Loan được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ. Trong vai trò người quản lý, cô tiếp tục mở lớp kỹ năng sống. Lớp học không giới hạn độ tuổi, không phân biệt HS trong hay ngoài trường. Lớp cũng không giới hạn không gian học tập. Có khi được mở trong phòng học, khi ngoài công viên, có khi ở quán cà phê... nên tạo được sự mới mẻ và thoải mái cho HS.
Phương pháp truyền đạt của cô Loan là hạn chế sự khô cứng lý thuyết và tăng tính thực tế. Chẳng hạn, dạy về chống xâm hại tình dục, cô lồng ghép cách tự vệ. Dạy về cách băng bó vết thương, cô mời y tá hướng dẫn, nói về tội phạm sẽ có công an tham dự… Ví mình “chỉ là một thân cây bé nhỏ”, cô Loan nói, cô “cần thêm những thân cây khác nữa”. Cô mong thầy, cô giáo ở các nơi có những mô hình mới, phương pháp mới phù hợp để dạy kỹ năng sống cho trẻ, giúp các em bước vào cuộc sống an toàn và hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.