Có nên cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần?

26/03/2021 07:19 GMT+7

Tại hội nghị tuyển sinh cao đẳng sư phạm, đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là không cần thiết.

Dự kiến sẽ bổ sung một số nét mới vào quy chế tuyển sinh

Ngày 25.3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng (CĐ) sư phạm, đại học (ĐH).
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), giới thiệu một số nét mới được dự kiến đưa vào quy chế tuyển sinh năm nay, chẳng hạn như sẽ cho phép thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến chứ không chỉ bằng phiếu như mọi năm. Hoặc TS được điều chỉnh nguyện vọng (NV) 3 lần sau khi biết kết quả thi THPT thay vì chỉ 1 lần như trước đây…
Liên quan tới việc điều chỉnh NV 3 lần, bà Thủy lưu ý các trường ĐH không được công bố thông tin TS đăng ký xét tuyển vào trường trong thời gian TS điều chỉnh NV. Bà Thủy cho biết: “Dự kiến sẽ đưa vào quy định là nơi nào có điều kiện thì cho TS đăng ký trực tuyến, nếu không thì đăng ký bằng phiếu. Nhưng qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi nhận thấy hầu hết các địa phương đều có thể triển khai cho TS đăng ký trực tuyến”.
Ngoài ra, năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ đặt hàng nguồn nhân lực, theo đó điểm chuẩn với đối tượng này chỉ được giảm 1 điểm so với điểm chuẩn chung. Bộ cũng bổ sung quy định về việc sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học; thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, xét tuyển/lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
Về cơ chế phối hợp, trong phần thảo luận ở đầu cầu Hà Nội, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ GDĐH, cho biết Bộ GD-ĐT sẽ giao một đơn vị đầu mối tiếp tục cung cấp, duy trì quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu chung, cổng thông tin tuyển sinh, phần mềm cho đăng ký xét tuyển và lọc ảo hỗ trợ kỹ thuật đối với các trường, sở GD-ĐT.
Về thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh, theo ông Nghệ, Bộ GD-ĐT đề xuất mức thu cho mỗi TS 25.000 đồng/NV (TS đăng ký bao nhiêu NV thì nhân số NV với mức phí này), giảm 5.000 đồng/NV so với các năm trước đây.

Chỉ cần điều chỉnh nguyện vọng 2 lần

Các đại biểu tham dự hội nghị đều tán thành việc giảm lệ phí xét tuyển 5.000 đồng/NV cho TS. Ông Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, bình luận: “Việc này rất nên làm. Dù 5.000 đồng nghe thì ít, nhưng nhân lên với số tổng NV trên toàn quốc sẽ là con số rất lớn. Do đó, việc giảm này sẽ tạo hiệu ứng tâm lý rất tốt trong dư luận TS”.
Nội dung dự kiến thay đổi khiến nhiều đại biểu băn khoăn nhất là về số lần TS được phép điều chỉnh NV sau khi biết kết quả thi THPT. Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, chỉ nên cho phép TS điều chỉnh NV 2 lần. Như vậy, thực chất là các em có tới 3 lần đăng ký NV nếu tính cả lần đầu đăng ký xét tuyển (cùng lúc với đăng ký dự thi). “Điều chỉnh đăng ký 3 lần thì thời gian chờ đợi sẽ dài, gây khó khăn cho các trường trong khâu xét tuyển”, GS Đức giải thích.
Ông Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện Tài chính, cũng ủng hộ quan điểm này với lý do là 2 hay 3 lần TS cũng không có lợi hơn trong khi nếu là 3 lần thì càng gây rối cho TS. “Nếu cho TS điều chỉnh đăng ký càng nhiều lần thì càng phát sinh mâu thuẫn trong gia đình. Ở Học viện Tài chính đã từng xảy ra việc tương tự, ban đầu TS đăng ký theo ý của gia đình, về sau điều chỉnh theo ý mình, nhưng rồi lại không nhớ điều chỉnh những gì (chỉ nhớ NV1, NV2, các NV tiếp theo đều quên). Gia đình đến thắc mắc, chúng tôi phải lấy phiếu điều chỉnh đăng ký của TS thì họ mới chịu”, ông Tùng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, góp ý việc cho TS đăng ký và điều chỉnh NV trực tuyến là một bước tiến bộ của kỳ tuyển sinh năm nay. Nên chăng, Bộ GD-ĐT tính tới việc cho phép TS xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến.
Đại diện cho khối sở GD-ĐT, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, kiến nghị Bộ thống nhất thông tin về mã ngành, tổ hợp xét tuyển của các trường trên website của Bộ. Việc không thống nhất như thời gian qua gây khó khăn không nhỏ cho TS khi tìm kiếm thông tin để đăng ký xét tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, xem xét để điều chỉnh nếu có thể điều chỉnh. “Việc gì mà làm được, thuận lợi cho TS mà không gây xáo trộn thì sẽ làm ngay. Còn những việc khó hơn, chưa làm được năm sau thì sẽ nghĩ cách để làm dần”, ông Sơn nói rồi cho biết thêm: “Ví dụ, chúng tôi sẽ đề nghị Vụ Giáo dục ĐH nghiên cứu để có phương án sau khi TS điều chỉnh NV thì gửi xác nhận việc đăng ký này vào địa chỉ email cho TS”.
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, kỳ thi THPT hiện nay vẫn là một kỳ thi quan trọng, giúp các trường dựa vào đó để có căn cứ xét tuyển. Vì thế, trường mong muốn Bộ làm tốt hơn ở cả 3 khâu: ra đề thi, coi thi, chấm thi. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đề thi năm ngoái rất cơ bản. Năm nay, tình hình dịch bệnh đỡ hơn, học sinh được đi học liên tục. Vì thế, chúng tôi mong đề thi có sự phân loại tốt hơn, điều đó giảm sức ép xã hội cho TS, thuận lợi hơn cho các trường trong việc xét tuyển”, GS Tú nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.