Có nên thưởng cho con những món quà đắt tiền?

15/12/2017 19:03 GMT+7

'Con đạt học sinh giỏi mẹ sẽ tặng cho con chiếc iPhone mới', “con đậu ĐH đi rồi ba mua xe máy cho con…'. Không ít phụ huynh đã 'treo' những phần thưởng như thế để kích thích con học tập.

Sắp kết thúc học kỳ một, phụ huynh Nguyễn Hoa có con học lớp 4 Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Tân Phú, TP.HCM chia sẻ: “Tôi hứa với con sẽ mua bất cứ thứ gì con muốn, nếu con thi học kỳ môn toán được 10 điểm. Cháu nói cháu thích có một chiếc iPad giống chị gái vì lâu nay muốn chơi phải mượn chị. Thực ra số tiền đó cũng không nhỏ, nhưng nếu để giúp con có động lực học tập, tôi sẵn sàng”.

Được biết, con của chị Hoa sau khi nghe mẹ nói đã rất chăm chỉ học tập để quyết tâm được nhận iPad. Những năm học trước, điểm toán của bé chỉ được 7-8 điểm nên điểm 10 trở thành một mục tiêu được đặt ra ngay từ đầu năm học.

Không chỉ chị Hoa, mà rất nhiều phụ huynh khác sử dụng những phần thưởng được mua bằng một khoản tiền lớn để khuyến khích con. Chẳng hạn như chiếc iPhone, iPad trị giá hơn chục triệu đồng nếu con đạt học sinh giỏi, chiếc xe máy mới vài chục triệu nếu đậu vào trường THPT 'xịn'… Với một số gia đình giàu có, khi con đậu ĐH, phần thưởng cho con có khi còn là xe Vespa, SH, quần áo đồ dùng hàng hiệu, thậm chí xe hơi.

Chọn phần thưởng có giá trị tinh thần

Ông Trần Sơn (TP.HCM), người cha có con trai đậu ĐH Harvard (Mỹ), chia sẻ: “Rất nhiều phụ huynh giàu có, khi con đạt thành tích thì thưởng những món đồ vật chất đắt tiền nhưng không có giá trị thực sự trong việc khuyến khích con nỗ lực học tập. Món quà mà tôi tặng con khi con đạt học sinh giỏi là sách, là những chuyến về quê thăm bà nội, thăm nghĩa trang Trường Sơn nơi trước đây có rất nhiều người trẻ bằng tuổi cháu đã ngã xuống. Tôi dạy cháu những giá trị tinh thần như sự sẻ chia, trách nhiệm cộng đồng… từ những 'phần thưởng' như thế. Và cháu cũng đón nhận rất hào hứng”.

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Koa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: “Phần thưởng là một cách để khuyến khích hành vi tốt nhằm hướng tới mục tiêu nào đó. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng phần thưởng đúng thì sẽ gây hại cho người được thưởng. Nhất là ở lứa tuổi còn đi học. Nó sẽ khiến một đứa trẻ bị lệ thuộc, đặt ra mục tiêu học tập không phải vì khao khát tri thức, mà là vì để được nhận quà. Đứa trẻ sẽ tính toán trong đầu, là mình đạt điểm 10 lần này mình sẽ đòi thưởng gì, lần sau mình sẽ đòi món gì… Nguy hại là nếu không có thưởng, con sẽ không muốn học nữa”.

tin liên quan

Dạy con thành người tử tế, khó không?
Trẻ cần người lớn giúp để trở thành người tử tế ngay từ giai đoạn thơ ấu. Vậy muốn dạy con thành người tử tế, cha mẹ cần phải làm gì?  

Theo tiến sĩ Điệp, có nhiều phần thưởng, trong đó, những thứ chỉ có giá trị vật chất đơn thuần có thể gây tác hại xấu như những đồ chơi công nghệ (iPhone, iPad) không phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, rất nhiều món quà có ý nghĩa tinh thần, giúp trẻ hiểu thêm về các giá trị khác trong cuộc sống, chẳng hạn như sách, một cây đàn guitar đúng sở thích của trẻ, một buổi ăn kem thỏa thích, một đôi giày mới thay cho đôi giày đã cũ, hoặc những chuyến du lịch về quê, khám phá những vùng đất mới…

“Trẻ thường thích nhiều thứ. Phụ huynh cho trẻ liệt kê ra các món cháu thích, sau đó lựa chọn món quà nào có giá trị tinh thần nhiều hơn để thưởng, chứ không nên chiều theo những sở thích thiên về vật chất đắt tiền”, tiến sĩ Điệp chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.