Đề xuất giao địa phương tự chủ xét tốt nghiệp THPT
Trong bài phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 25.8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tinh thần là tuyển sinh ĐH năm học tới sẽ có sự đổi mới để thích nghi với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn trước ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng cường phân cấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sau bài phát biểu này, các lãnh đạo trường THPT đã bày tỏ ý kiến và đề xuất liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), chia sẻ: “Tôi rất vui khi biết Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu "tăng cường phân cấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT". Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi".
Theo ông Phú, từ nhiều năm qua các nhà quản lý giáo dục đã đề cập đến việc giao quyền xét tốt nghiệp THPT về cho tỉnh thành. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, tình hình đại dịch Covid-19 khiến cho toàn ngành giáo dục rất lúng túng, gây hoang mang tâm lý cho học sinh lẫn phụ huynh, tất nhiên đội ngũ thầy cô không ngoại lệ.
Vị hiệu trưởng này cho rằng việc giao cho địa phương tự chủ xét tốt nghiệp THPT có nhiều mặt rất tích cực. Trước hết, địa phương chủ động điều tiết thời gian, chẳng hạn khi có thiên tai, dịch họa... tránh bị ùn ứ, kéo dài gây tâm lý bất an cho xã hội. Tiết kiệm một khoản ngân sách rất lớn cho Nhà nước và dân. Không huy động số lượng lớn nhân sự phục vụ cho một kỳ thi, hậu quả khôn lường nếu diễn ra trong tình hình dịch bệnh. Vì nhiều năm tỷ lệ đậu tốt nghiệp rất cao trên 96% nghĩa là chúng ta bỏ ra hàng ngàn tỉ để loại bỏ 4% lượng thí sinh, thay vì ngân sách này đủ dư tài trợ cho 4% thí sinh học nghề để khởi nghiệp…
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) lưu ý: tổ chức 1 kỳ thi chung mà tỷ lệ đậu từ 98,99% gây quá nhiều lãng phí về nhân lực và tài lực. Do đó, việc giao tự chủ hoàn toàn về việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương là hợp lý. Mỗi địa phương có đặc thù về thời tiết, về khung thời gian thực hiện chương trình sẽ tự quyết định thời gian xét tốt nghiệp khi học sinh hoàn thành chương trình.
Chẳng hạn như năm học mới này, tình hình diễn biến dịch Covid-19 ở TP.HCM còn rất phức tạp, nếu tổ chức 1 kỳ thi chung cùng các tỉnh thành không có dịch, hoặc diễn biến không phức tạp, không phải ngừng đến trường là một thiệt thòi rất lớn cho học sinh TP.HCM. Bởi dù sao, học trực tiếp vẫn tốt hơn rất nhiều so với học trực tuyến.
|
Bộ ban hành thông tư, hướng dẫn, chỉ đạo giám sát
Còn ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng Bộ GD-ĐT đánh giá là rất kịp thời và phù hợp tình hình hiện nay.
Ông Bình đưa ra phân tích: Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp rất cao nên về mục đích của kỳ thi mang tính loại chỉ vài phần trăm không đạt, cần được xem xét theo hướng giao quyền tự chủ cho các tỉnh thành.
Về bản chất thì vẫn sẽ có 1 kỳ thi THPT đối với học sinh cuối cấp theo Luật Giáo dục. Tuy nhiên, về mức độ và sự chủ động trong tình hình ảnh hưởng dịch bệnh, thiên tai, Bộ GD-ĐT cần xem xét giao công tác này cho các tỉnh thành thực hiện. Bộ có thể ban hành thông tư và hướng dẫn quy định chung để các tỉnh thực hiện theo chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra giám sát để đánh giá quá trình thực hiện của địa phương.
Kỳ thi THPT hiện nay có thể thấy Bộ GD-ĐT đã giao công tác tổ chức, quy hoạch hội đồng và chịu trách nhiệm về công tác thi cho địa phương. Hiện còn 2 vấn đề cần Bộ GD-ĐT giao hẳn cho các địa phương là thời gian tổ chức thi và đề thi. Cũng có thể thấy là Bộ chưa an tâm công tác ra đề vì để đảm bảo mặt bằng chung cho tuyển sinh ĐH và kiểm soát chất lượng dạy học thông qua đề thi chung. Tuy nhiên, vấn đề này lại bộc lộ những bất cập như trong năm 2021, đó là khi một hay một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không thể tổ chức kỳ thi theo thời gian chung thì phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT hiện nay cũng đã được các trường ĐH chủ động bằng nhiều hình thức xét tuyển. Do đó, ông Bình cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét đề xuất của TP.HCM trước đây là giao quyền tổ chức cho địa phương sẽ phù hợp trong thời gian tới.
|
Đề xuất về xét tuyển đại học
Từ thực tế, hiện nay hầu hết các trường ĐH đều có phương án tuyển sinh riêng, nên ông Huỳnh Thanh Phú đề xuất các trường có thể sử dụng các phương thức như: Khảo sát đánh giá năng lực - Xét điểm học bạ - Dựa vào các chứng chỉ bổ trợ như tin học, ngoại ngữ… - Năng khiếu: Sân khấu điện ảnh, TDTT... - Ghi danh học theo tín chỉ.
Còn bà Thanh Trúc thì đưa ra ý kiến: "Sau khi hoàn thành, đạt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, học sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Bộ GD-ĐT thành lập trung tâm khảo thí độc lập, tổ chức nhiều đợt kiểm tra đánh giá năng lực, học sinh thấy đủ năng lực thì đăng ký tham gia để các trường ĐH lấy đó làm cơ sở xét tuyển ĐH".
Ông Phạm Phương Bình cho rằng ngoài phân cấp xét tốt nghiệp THPT thì việc tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập là đều cần thiết để đảm bảo chất lượng công tác thi cử và giảm chi ngân sách. Các trung tâm khảo thí hoạt động độc lập nên sẽ chủ động hơn trong công tác thi cử. Các trường ĐH có thể tuyển sinh dựa trên kết quả thi do mình tự tổ chức hoặc lấy kết quả từ trung tâm khảo thí độc lập. Việc này cũng sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong việc học và tham gia các kỳ thi. Tránh bị động và học lệch như hiện nay.
Bình luận (0)