Có tái diễn thiếu sách giáo khoa?

08/06/2019 08:28 GMT+7

Năm ngoái, một trong những vấn đề gây bức xúc nhất trước ngày khai giảng năm học mới là việc thiếu sách giáo khoa khiến phụ huynh 'náo loạn' vì không mua đủ sách cho con. Liệu năm nay tình trạng phản cảm này có tái diễn khi chỉ còn một năm nữa là bắt đầu “thay” sách giáo khoa mới?

 

Lo “in cầm chừng” chờ sách giáo khoa mới

Sở dĩ năm 2018 có tình trạng thiếu sách giáo khoa (SGK) nghiêm trọng ở nhiều địa phương trên cả nước, theo lãnh đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN là do trước thông tin sắp thay sách mới, một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương đã đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành của NXB.
Năm nay, lo lắng thiếu SGK lại càng có cơ sở hơn khi Bộ GD-ĐT đã công bố sẽ thay sách lớp 1 từ năm học 2020 - 2021. Như vậy, sách lớp 1 hiện hành sẽ chỉ dùng trong năm học tới là hết... giá trị sử dụng.
Đại diện lãnh đạo NXB Giáo dục VN cho biết: Năm học 2019 - 2020, NXB sẽ cung ứng khoảng 110 triệu bản SGK. Tính đến ngày 5.6, toàn hệ thống NXB và các nhà in thì sách đã nhập kho được 78% kế hoạch (84 triệu bản), đạt tỷ lệ tương đương so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng sách đã chuyển về các địa phương được 70% kế hoạch (75 triệu bản), đạt tỷ lệ 114% so với cùng kỳ. Dự kiến năm 2019, NXB này sẽ tặng 25.000 bộ cho học sinh và thư viện trường học trong cả nước.
Trước lo lắng về tái diễn tình trạng thiếu SGK trong năm học tới, đại diện NXB khẳng định: “Sẽ đảm bảo đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra thiếu sách, sốt sách”.
Tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, SGK chủ yếu phát hành qua kênh phòng GD-ĐT và các trường. Ngay từ tháng 4, trước kỳ nghỉ hè, phụ huynh và học sinh đã nhận được thông báo của các trường về việc đăng ký mua cho năm học mới.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Vũ Xuân Dương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Nội, cho biết việc phát hành SGK của công ty chủ yếu được thực hiện qua các phòng GD-ĐT và các trường (chiếm khoảng hơn 80%); số còn lại phát hành thông qua 3 cửa hàng bán lẻ của công ty và thông qua đại lý, cửa hàng sách khác.

Hai mức giá trên cùng một đầu sách

Lập "đường dây nóng" phản ánh về sách giáo khoa
NXB Giáo dục VN cho biết rút kinh nghiệm của năm trước, để việc phục vụ nhu cầu mua SGK của học sinh và phụ huynh được kịp thời, thuận lợi, NXB đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của người dân như sau: Số điện thoại: 0377333545. Thời gian trực: từ 8 đến 22 giờ (từ ngày 22.4.2019 đến ngày 1.9.2019, bao gồm cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ).
Như NXB Giáo dục VN đã công bố, từ năm học 2019 - 2020, giá bán SGK lớp 1 - 12 sẽ tăng từ 6.500 đến 25.000 đồng mỗi bộ, mức tăng bình quân mỗi cuốn từ 1.000 đến 1.800 đồng; nội dung sách vẫn giữ nguyên như các năm trước.
NXB cũng cho biết chỉ điều chỉnh giá với các sách in năm 2019. SGK in từ năm 2018 trở về trước vẫn phát hành theo giá cũ. Tại một số cửa hàng sách của Công ty sách, thiết bị trường học Hà Nội, hầu hết sách được in mới năm 2019 theo mức giá đã tăng, rất ít sách in năm 2018. Một số phụ huynh đi mua sách cho con đã thông tin, SGK in từ năm 2018 với mức giá cũ chỉ còn sách lẻ, không đủ bộ. Muốn mua SGK được đóng nguyên bộ với đầy đủ đầu sách theo quy định thì phải mua sách in năm 2019 theo giá mới. Trong số sách của các khối thì lớp 1 và lớp 4 có mức tăng thấp nhất với mức tăng chưa đến 1.100 đồng/cuốn. SGK lớp 8 có mức tăng cao nhất, trung bình hơn 1.900 đồng/cuốn so với giá cũ; tiếp đến là SGK của lớp 12, 11, lớp 7, lớp 3…
Điểm khác biệt của SGK in mới năm nay là trên trang 1 của mỗi cuốn sách được in thêm dòng chữ khuyến cáo: “Hãy giữ gìn SGK để dành tặng các em học sinh lớp sau”. Theo NXB Giáo dục VN, việc in thêm dòng chữ này xuất phát từ sự tiếp thu góp ý của xã hội và thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT để người sử dụng có ý thức giữ gìn, tăng tỷ lệ sử dụng lại sách cũ.
Trên mỗi bìa sách cũng có in danh mục SGK của từng lớp để phụ huynh và học sinh có thể căn cứ vào đó chọn mua đúng tên, số lượng SGK theo danh mục quy định.
Lâu nay, phụ huynh vẫn phản ánh việc mua SGK theo bộ hoặc qua kênh nhà trường phải chịu cảnh “bia kèm lạc”, nghĩa là sách nào cũng kèm theo sách bài tập, sách tham khảo. Điều đáng nói là nhiều cuốn học sinh không có nhu cầu sử dụng trong khi giá thành của sách tham khảo lại cao hơn nhiều so với SGK.
Xung quanh vấn đề này, đại diện NXB Giáo dục cho rằng: Để tránh nhầm lẫn giữa SGK (ấn phẩm mang tính bắt buộc) và sách tham khảo, bổ trợ (các ấn phẩm tùy chọn theo nhu cầu), NXB đã in lên bìa 4 của mỗi cuốn SGK danh mục sách của lớp học đó để phụ huynh, học sinh nắm rõ sách của từng lớp học.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng việc in lên bìa danh mục sách bắt buộc đã thực hiện lâu nay nhưng việc phụ huynh có được “lựa chọn phù hợp” như NXB nói hay không lại là chuyện khác vì đăng ký mua SGK tại trường là mua theo bộ chứ không phải mua theo danh mục.
So sánh giá SGK cũ và mới

TT

Bộ sách

Số cuốn trong bộ

Giá cũ (đồng)

Giá mới (đồng)

Chênh lệch tuyệt đối (đồng)

Mức tăng bình quân (đồng/cuốn)

1

Lớp 1

6

47.500

54.000

6.500

1.083

2

Lớp 2

6

45.300

53.000

7.700

1.283

3

Lớp 3

6

49.000

58.000

9.000

1.500

4

Lớp 4

9

77.700

87.000

9.300

1.033

5

Lớp 5

9

78.300

89.000

10.700

1.189

6

Lớp 6

12

97.700

115.000

17.300

1.442

7

Lớp 7

12

114.500

134.000

19.500

1.624

8

Lớp 8

13

124.200

149.000

24.800

1.908

9

Lớp 9

13

117.800

140.000

22.200

1.708

10

Lớp 10 (Chương trình chuẩn)

14

141.600

164.000

22.400

1.600

11

Lớp 11 (Chương trình chuẩn)

14

144.500

169.000

24.500

1.750

12

Lớp 12 (Chương trình chuẩn)

14

154.200

180.000

25.800

1.843

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.