Sáng nay 21.3, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức ngày tập huấn thứ 2 về nghiệp vụ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh ĐH; tuyển sinh CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 tại TP.HCM. Tham dự có đại diện các trường ĐH, CĐ, TC trong cả nước.
Công bố kết quả thi muộn hơn năm 2018
tin liên quan
Công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2019
Phát biểu tại đây, ông Mai Văn Trinh cho biết năm nay việc công bố kết quả thi sẽ muộn hơn năm ngoái vài ngày do công tác chấm thi sẽ kỹ lưỡng hơn nhưng không ảnh hưởng đến lịch trình tuyển sinh các trường.
“Tất cả các giám đốc sở GD-ĐT rất hào hứng vì năm nay có sự phối hợp của các trường ĐH trong chấm thi. Kỳ thi này thành công, việc tuyển sinh của các trường cũng sẽ thành công”, ông Trinh nói.
Theo dự thảo hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2019, việc tổ chức thi sẽ diễn ra từ ngày 24.6 đến 27.6.
Sau khi kỳ thi kết thúc, các hội đồng thi cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi về bộ số liệu và tình hình coi thi chậm nhất 11 giờ 30 ngày 28.6.
Chậm nhất ngày 13.7 các hội đồng thi xuất kết quả chấm thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi do bộ cung cấp ra 2 đĩa, 1 đĩa lưu tại sở GD-ĐT theo chế độ mật và một đĩa gửi bảo đảm ở chế độ mật về Cục quản lý chất lượng để cập nhật kết quả vào phần mềm quản lý thi. Ngay sau khi Cục quản lý chất lượng cập nhật kết quả thi vào phần mềm, các hội đồng thi sử dụng đĩa lưu trữ tại đơn vị đối chiếu với kết quả trên phần mềm, nếu có bất thường phải báo cáo ngay về Ban chỉ đạo thi quốc gia để xử lý.
Hoàn thành việc đối sách kết quả thi chậm nhất ngày 13.7. Hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 15.7. Năm 2018, điểm thi THPT quốc gia của tất cả thí sinh trong cả nước được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 11.7, sớm hơn 4 ngày so với kế hoạch dự kiến năm nay.
Trên cơ sở đó, kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 19.7.
Một trường chấm thi nhiều tỉnh
Phát biểu trong hội nghị tập huấn, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh, năm 2019 đề nghị các trường ĐH, CĐ củng cố thêm một bước về thực hiện nhiệm vụ coi thi, đảm bảo đủ số lượng người đồng thời đảm bảo công tác tư tưởng nhận thức và cả chuyên môn. Ngoài ra, vai trò của các trường ĐH được nâng lên bước nữa thông qua nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm.
“Các trường phải tập huấn đầy đủ và kỹ lưỡng về nhiệm vụ coi thi và chấm thi trắc nghiệm, phối hợp nhuần nhuyễn với các sở GD-ĐT để tập huấn. Có thể sẽ giao nhiệm vụ cho một trường chấm thi cho một số tỉnh. Việc chấm thi sẽ diễn ra tại địa phương, với trang thiết bị do địa phương chuẩn bị. Mỗi trường phải chuẩn bị ít nhất từ 5-8 người vững vàng chuyên môn này”, ông Trinh nói.
Bình luận (0)