Công nghệ chống gian lận thi cử

23/07/2018 10:08 GMT+7

Trước các vụ việc gian lận điểm thi đang nóng những ngày gần đây, Lê Yên Thanh (ngưởi từng từ chối Google về nước khởi nghiệp) đã giới thiệu một ứng dụng chống gian lận thi cử đã ấp ủ mấy năm liền.

Chấm dứt tình trạng gian lận thi cử

“Giờ đây chắc ai cũng biết chuyện gian lận chấm thitại Hà Giang. Giả sử áp dụng công nghệ blockchain vào việc thi cử, tất cả bài thi của học sinh được gửi lên trên blockchain cùng với logic chấm bài thi. Nhờ blockchain, mọi thứ sẽ rất rõ ràng từ việc thí sinh gửi bài thi lên lúc nào đến việc bài được chấm ra sao, đúng câu nào, sai câu nào... tất cả sẽ nằm trên blockchain...Và đấy là dự án TALO mà mình đã nghiên cứu thành công”, Yên Thanh giới thiệu về dự án mới “ra lò” của mình.

Nhận thấy blockchain là công nghệ mới nhưng có tiềm năng áp dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống,  Yên Thanh đã mày mò nghiên cứu từ thời còn sinh viên.

Lê Yên Thanh thuyết trình về công nghệ blockchain tại Blockchain Festival 2018 ở TP.HCM ẢNH: NVCC 
Yên Thanh kể: “Sau khi về Việt Nam để khởi nghiệp thì mình bắt đầu với những dự án IT đơn thuần chứ không bắt tay vào dự án blockchain ngay. Vì thời điểm đó công nghệ này vẫn chưa phát triển đến một mức thích hợp để áp dụng vào thực tiễn và bản thân cũng chưa đủ kiến thức để có thể thực hiện dự án. Do đó trong quá trình làm các dự án khác, mình đã dành thời gian để nghiên cứu thêm về công nghệ này để đạt đủ các điều kiện yêu cầu rồi mới phát triển”.
Công nghệ blockchain

Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Yên Thanh tự hào vì dự án của mình có thể chấm dứt được tình trạng gian lận trong thi cử.

Theo “chàng trai công nghệ”, mô hình của dự án là đưa những bài kiểm tra, bài thi lên blockchain để tất cả các logic từ nộp bài, kiểm tra tính hợp lệ, chấm bài và trả kết quả đều nằm trên blockchain. Mỗi người sẽ có một định danh khi làm bài trên hệ thống và sẽ theo người đó suốt đời. Mô hình này có thể áp dụng vào rất nhiều các kỳ thi khác nhau, trong đó có các kỳ thi quan trọng, nơi mà việc chấm bài và hiển thị kết quả phải minh bạch và rõ ràng, ai cũng có thể thấy và kiểm chứng trên blockchain.

Nói cặn kẽ hơn về dự án, Yên Thanh giải thích: “Blockchain là một công nghệ đặc biệt, khi ta lưu trữ và cài đặt những gì lên blockchain thì những dữ liệu đó sẽ được phân tán và lưu trữ mãi mãi mà không ai có thể can thiệp và thay đổi. Do đó nếu để các bài kiểm tra, logic chấm bài lên trên công nghệ này thì sẽ không thể có một bên thứ ba nào can thiệp vào để thay đổi kết quả chấm bài được. Ngoài ra, công nghệ này còn có một tính năng quan trọng nữa là tính minh bạch, nghĩa là mọi người ai cũng có thể thấy được các logic chấm bài, thấy được cách mà bài thí sinh được chấm như thế nào trên blockchain, tất cả sẽ có thể tự kiểm chứng và yên tâm vào quy trình chấm bài đặc biệt này”.

Không có sự can thiệp của con người

Với hệ thống này thí sinh sẽ không còn làm bài trên giấy mà sẽ làm hoàn toàn trên máy tính hoặc máy tính bảng. “Thí sinh sẽ thi trực tiếp trên hệ thống của TALO làm ra và bài thi sẽ được gửi lên blockchain ngay tại thời điểm thí sinh nộp bài và sẽ không qua một khâu trung gian nào”, Yên Thanh giải thích.

Với bài thi tự luận, Yên Thanh cho biết: “Đây cũng chính là giới hạn của công nghệ này nói riêng và công nghệ thông tin nói chung. Tuy nhiên, tất cả sẽ có cách giải quyết và mình cũng đang nghiên cứu sẽ dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để chấm bài thi tự luận”.

Yên Thanh cho biết  kỳ thi sẽ không còn có sự can thiệp của con người. Đây là xu hướng mới trong tương lai và cách tốt nhất để chống gian lận thi cử là khi không có sự can thiệp của con người”.

Nhưng “chàng trai công nghệ” cũng trăn trở: “Để làm được điều này thì trước hết các kỳ thi phải thi hoàn toàn trên máy tính, việc này cần có sự đầu tư kinh phí. Nhưng nếu VN muốn đi trước đón đầu thì phải làm trước người khác thôi”. 

Hiện tại, dự án của Thanh đã cho ra đời phiên bản chạy thử nghiệm để giới thiệu đến mọi người về khả năng áp dụng thực tế của công nghệ này.

“Mình đang muốn nhận được nhiều góp ý, đánh giá tích cực từ cộng đồng để tiếp tục hoàn thiện phiên bản thử nghiệm, đồng thời sẽ bắt đầu gọi vốn để đẩy mạnh quá trình phát triển dự án thành một sản phẩm hoàn thiện”, Yên Thanh chia sẻ.

Bạn đọc có thể tải ứng dụng dùng thử tại: https://play.google.com/store/apps/details?id=io.talo.app

Chàng trai công nghệ

Lê Yên Thanh (24 tuổi, quê An Giang) là cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Yên Thanh có bảng thành tích đáng nể trong lĩnh vực công nghệ nên được mọi người hay gọi là “chàng trai săn giải thưởng” hay “chàng trai công nghệ”. Với hơn 100 giải thưởng tin học trong và ngoài nước, là tác giả của ứng dụng BusMap - phần mềm tìm xe buýt áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM, đồng sáng lập ứng dụng tìm việc làm JobHop, là một trong 7 thực tập sinh tại Google và từng từ chối lời mời làm việc tại Google để về nước khởi nghiệp. Yên Thanh còn là Gương mặt trẻ tiêu biểu 2015, giải nhì Nhân tài Đất Việt 2015…



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.