Đại học Việt Pháp tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh các môn khoa học tự nhiên

17/04/2019 20:17 GMT+7

Năm học 2019 - 2020 là năm đầu tiên Trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội áp dụng chính sách tuyển thẳng thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, hoặc tương đương, với các môn khoa học tự nhiên.

Thông tin từ Trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội (còn được gọi là Trường đại học Việt Pháp), bắt đầu từ kỳ tuyển sinh năm 2019, trường sẽ áp dụng chính sách tuyển thẳng đối với các thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (hoặc tương đương) các môn khoa học tự nhiên, gồm: toán, lý, hóa, sinh, tin học và địa lý (riêng môn địa lý chỉ áp dụng với thí sinh đăng ký ngành vũ trụ và ứng dụng).
Ngoài ra, có 4 đối tượng thí sinh cũng nằm trong diện tuyển thẳng của trường này, gồm: thí sinh đoạt giải Olympic khu vực, quốc tế và kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia các môn khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh, tin, địa); thí sinh là thành viên đội tuyển quốc gia tham các kỳ thi quốc tế các môn khoa học tự nhiên; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba chung cuộc (đề tài liên quan đến khoa học tự nhiên) trong các cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; thí sinh là thành viên chính thức đội tuyển dự thi Olympic hoặc các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (đề tài liên quan đến khoa học tự nhiên) khu vực, quốc tế.
Trường đại học Việt Pháp là trường đại học công lập chuẩn quốc tế, được thành lập năm 2009 trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp. Trường được hỗ trợ bởi liên minh 40 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp (USTH Consortium) cùng hơn 15 đối tác khác trong đào tạo và nghiên cứu.
Trường giảng dạy theo tiến trình Bologna đang được áp dụng tại hơn 45 quốc gia châu Âu. Theo đó, thời gian đào tạo hệ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ lần lượt là 3 năm, 2 năm và 3 năm. Hiện tại, trường hợp tác cùng các trường đại học uy tín trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Pháp đào tạo và đồng cấp bằng thạc sĩ.
Mới đây, trường đã ký kết thỏa thuận khung với USTH Consortium về đóng góp của hai bên trong giảng dạy trình độ đại học và thạc sĩ, tiến sĩ; nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới.
Đặc biệt, hai bên nhất trí từ năm 2019 sẽ nghiên cứu các điều kiện về việc cấp bằng đôi Pháp - Việt hệ đại học và chuẩn bị xin cấp phép của Bộ phụ trách về giáo dục đại học và nghiên cứu Pháp để có thể triển khai từ năm học 2020 - 2021.
Năm học 2019 - 2020, USTH tiếp tục tuyển sinh 13 ngành đào tạo khoa học - công nghệ mũi nhọn, do chính phủ Việt Nam và Pháp lựa chọn dựa theo chiến lược phát triển của đất nước, cụ thể là: công nghệ thông tin; công nghệ sinh nông, y, dược; khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano; khoa học và công nghệ thực phẩm; khoa học và công nghệ y khoa; nước - môi trường - hải dương học; năng lượng; vũ trụ và ứng dụng; kỹ thuật hàng không; an toàn thông tin (an ninh mạng); toán ứng dụng; vật lý kỹ thuật và điện tử; hóa học.
Hàng năm, USTH tổ chức 4 đợt tuyển sinh diễn ra lần lượt vào các tháng 1, 3, 5 và 7. Trường tuyển sinh theo 2 hình thức: tuyển sinh trực tiếp (xét học bạ và phỏng vấn) và tuyển sinh qua cổng thông tin của Bộ GD-ĐT.
Sinh viên trúng tuyển sẽ tham gia bài kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh, quyết định sinh viên sẽ theo học chương trình đại học chính khóa (3 năm) hoặc chương trình có yêu cầu học bổ trợ tiếng Anh (4 năm).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.