5 năm là theo khung trình độ quốc gia
Tại phiên họp đầu tiên của hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược Việt Nam (diễn ra hôm qua và hôm nay - 28.7), ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đã trình bày đề xuất của Cục về khung trình độ quốc gia trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, thời gian đào tạo đại học (cấp bằng cử nhân) của các ngành điều dưỡng, y học cổ truyền, kỹ thuật y học và các ngành cử nhân khác là 4 năm, còn các ngành y khoa, răng hàm mặt, dược thời gian đào tạo đại học là 5 năm, tối thiểu 150 tín chỉ, tương đương trình độ bậc 7 khung trình độ quốc gia.
Tuy nhiên, để được hành nghề, người tốt nghiệp đại học ngành y dược phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp. Riêng các chức danh bác sĩ, dược sĩ đòi hỏi phải qua thời gian thực hành 3 năm.
Theo giải thích của ông Lợi, sở dĩ có con số 5 năm là phải theo khung trình độ quốc gia, trong đó, thời gian đào tạo đại học từ 3 - 5 năm. Sang năm, khi quy định này được “luật hóa” (qua việc sửa đổi luật Giáo dục đại học) thì thời gian đào tạo đại học của các trường y dược đương nhiên phải thực hiện là 5 năm. Hơn nữa, khung thời gian này cũng không trái thực tế hiện nay, bởi để được hành nghề bác sĩ, người học phải mất 7,5 năm, trong khi con số đề xuất ở đây là 8 năm.
“Các thầy thấy dài quá thì rút xuống 7 năm, bởi khung thời gian thực hành là từ 1 - 3 năm, chúng ta có thể rút xuống từ 1 - 2 năm”, ông Lợi nói.
Ông Lợi giải thích thêm việc tại sao lại là 5 + 3 (hoặc + 2 năm): “Trong quyết định khung trình độ quốc gia nêu người nào tốt nghiệp đại học mà chương trình đào tạo có khối lượng kiến thức tối thiểu 150 tín chỉ đạt chuẩn đầu ra tương đương bậc 7, thì mới được công nhận trình độ tương đương bậc 7. Mà 150 tín chỉ phải 5 năm. Nếu đào tạo 4 năm, rồi bắt các em thực hành thêm 2 năm, sau đó 1 năm giai đoạn tiền nghề nghiệp nữa thì mất 7 năm các em mới được hành nghề y. Nếu ta tiếp cận khung 5 năm, 150 tín chỉ thì chế độ chính sách lương mới tương đương thạc sĩ. Còn 4 năm 120 tín chỉ, sau đó 3 năm thực hành nghề nghiệp nữa, mà chế độ chính sách hưởng ngang với cử nhân thì quá thiệt thòi”.
5 năm thì học được cái gì?
Trong 2 ngày hội nghị, hầu hết các hiệu trưởng phát biểu trong hội nghị đều phản đối khung thời gian được ông Lợi nêu trên. GS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, cho biết vấn đề khung đào tạo ngành y đã được nêu ra trong các hội nghị hội đồng các lần trước và đã đạt thống nhất thời gian đào tạo bác sĩ phải tối thiểu 6 năm.
“Hiện nay trên thế giới có 3 mô hình. Mô hình 4 + 4, điển hình là Mỹ. Mô hình 5 năm, điển hình là Anh và vài nước nữa, còn lại mô hình 6 năm là mô hình phổ biến nhất”, GS Hinh cho biết.
GS Phạm Văn Lình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Cần Thơ, cảm thán: “Nếu cho các em học 5 năm, mà chúng ta lại hướng tới việc tổ chức kỳ thi y khoa quốc gia. Học 5 năm thì đã biết gì đâu mà bắt các em thi!”. Từ nhận định trên, GS Lình đề xuất mô hình 6 + 1, sau đó tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề cho các em. Một thời gian nữa lại xem cộng mấy năm cho phù hợp với xu hướng quốc tế.
tin liên quan
Sẽ có thay đổi trong đào tạo bác sĩPhó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đào tạo y khoa của VN sắp tới sẽ thay đổi để vừa phù hợp với thực tế xã hội VN vừa phải tuân theo quy luật đào tạo y khoa thế giới.
"Người dân còn nghèo lắm, cho con đi học 6 năm, thêm một năm tiền hành nghề thì mới chính thức hành nghề để kiếm tiền để nuôi gia đình. Giờ thêm 2 - 3 năm nữa có khả thi với điều kiện Việt Nam? Học như thế thì chỉ những người có tiền, giàu có mới học được bác sĩ”, GS Lình phân tích.
Về ý kiến này, GS Hinh, rồi GS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế, đều nêu ý kiến: “Trong đào tạo y khoa, dù yêu cầu như thế nào, mô hình ra sao thì trong 6 năm, người học sẽ phải tự bỏ tiền ra để đi học. Nhưng từ năm thứ 7 trở đi, người học phải được trả lương”.
Theo GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y: "Trước khi đưa ra khung thời gian đào tạo bao nhiêu năm, cần phải trả lời được câu hỏi sản phẩm của đầu ra là gì, có đáp ứng yêu cầu của xã hội hay không. Dư luận bàn tán về sản phẩm của chúng ta thế nào? Việc bàn khung chương trình, khung thời gian như bây giờ chỉ là bàn suông, khi mà hiện nay chưa có một đơn vị nào dám đứng ra xây dựng, mô tả chi tiết năng lực đầu ra của ngành y khoa".
Tuy nhiên, GS Quyết cũng "chốt": “Theo tôi, 4+ 2 + 1 với người học đi theo con đường thực hành là bất biến, không thay đổi”.
GS Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường đại học Y dược Hải Phòng và một số hiệu trưởng khác cũng khẳng định y khoa phải đào tạo 6 năm, nhất là khi chương trình học của sinh viên đại học hiện nay phải mất thời gian ít nhất 1 năm cho các môn chính trị, giáo dục quốc phòng, ngoại ngữ.
Bình luận (0)