Dù các trường đều thực hiện tuyển sinh đầu vào theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT nhưng cách các trường thực hiện chuẩn này có mức độ khó dễ khác nhau. Hiện nay, có rất nhiều trường ĐH được đào tạo thạc sĩ, nhu cầu người học cũng nhiều nhưng nếu “làm khó” quá thì sẽ không hấp dẫn người học. Chính vì vậy, nhiều trường đã chủ động “thoáng” hơn trong tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra để thu hút học viên.
Thi là đỗ, vào là tốt nghiệp
Một người vừa nhận bằng thạc sĩ một trường tư thục tại TP.HCM thừa nhận: “Việc thi đầu vào thực sự không khó với người tham gia lớp luyện thi 2 tháng tại trường. Vì thực tế là ôn gì sẽ thi nấy, đề thi sẽ ra gần giống với tài liệu ôn tập, kể cả môn chuyên ngành và tiếng Anh”.
Chính vì vậy mà tỷ lệ thí sinh thi đỗ ở nhiều trường rất cao. Đơn cử trường ĐH T. (Bình Dương) đợt tuyển sinh 2015, ngành lịch sử VN có 19 thí sinh dự thi đều trúng tuyển, quản trị kinh doanh 105 người dự thi có 90 trúng tuyển… Kết quả thi cao học tháng 6.2015 tại trường ĐH C. (Vĩnh Long) cũng tương tự, trong 31 người có kết quả chỉ 1 thí sinh bị rớt…
Không chỉ đầu vào, quá trình học và đầu ra cũng dễ dãi.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận việc đào tạo thạc sĩ hiện nay ở một số cơ sở thực chất là việc bán rẻ bằng cấp, đã vào thì phải ra. Theo ông Tống, việc đào tạo cao học hiện chỉ mang tính chất tại chức nên chất lượng không cao. Người học vừa đi làm vừa đi học nên tỷ lệ đến lớp chỉ 50 - 60%, không có thời gian tập trung cho việc học và nghiên cứu. Ông Tống cho biết từng có học viên không thể qua được môn học của ông, do không có kiến thức nền ở bậc ĐH về lĩnh vực này. Khi đó, có người đã chủ động xin điểm cho học viên với lý do người này cần có bằng thạc sĩ để đi… dạy. “Cuối cùng có lẽ vì tôi đánh rớt học viên này mà trường không còn mời tôi dạy tiếp những lần sau”, ông Tống kể.
Ở một số trường, tình trạng học viên nợ và gia hạn bảo vệ luận văn cũng trở nên phổ biến.
Theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành năm 2014, chỉ những trường hợp đã bảo vệ lại luận văn nhưng vẫn không đạt hoặc đề tài không cần thiết tiếp tục nghiên cứu, thủ trưởng cơ sở đào tạo mới giao lại đề tài mới. Trong thực tế, có không ít trường học viên cao học được thay đổi đề tài nghiên cứu rất dễ dàng. Theo kinh nghiệm của một học viên vừa bảo vệ thành công luận văn, lệ phí gia hạn thời gian bảo vệ luận văn mỗi lần 5 triệu đồng/học viên. Nếu gia hạn nhiều lần mà vẫn không bảo vệ được, học viên được quyền thay đổi đề tài và chọn người hướng dẫn tùy thích với mức phí 15 triệu đồng/người.
PGS-TS Tống cũng cho biết hiện nay rất hy hữu mới có học viên không thể ra trường vì luận văn không đạt. Thậm chí, nếu luận văn không đạt, thay vì bác, hội đồng sẽ có cách cho “điểm tạm ứng” để chờ sửa chữa, bổ sung sau. Mức điểm tạm ứng này thường không thấp hơn 7. “Việc ngồi hội đồng, tôi có cảm giác như thủ tục hình thức, nói rất nhiều nhưng vẫn rộng điểm cho qua”, ông Tống nhìn nhận.
Trong khi ở các trường công, tỷ lệ học viên sau ĐH có thể nhận được bằng thạc sĩ chỉ đạt khoảng 50% so với số học viên nhập học thì đại diện một trường ĐH tư thục cho biết tỷ lệ này ở nhiều trường tư là trên dưới 90%.
Chuyển từ công sang tư
Chính thực tế này mà hiện người học có xu hướng chuyển thi cao học từ trường công sang tư. Người vừa nhận bằng thạc sĩ tại trường tư được nhắc ở trên cho biết vì rớt đầu vào tại một trường công nên mới tìm tới trường tư này.
Theo số liệu thống kê từ Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, sau 10 năm, trường này mới đào tạo được 459 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết mỗi năm trường được giao chỉ tiêu đào tạo khoảng 8 - 10 nghiên cứu sinh và từ 100 - 130 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ. Thực tế số học viên có thể hoàn thành chương trình thạc sĩ chỉ khoảng từ 40 - 60 người mỗi năm. PGS-TS Dương Anh Đức thông tin: “Trước đây, số lượng người đăng ký dự thi đầu vào cao học tại trường rất nhiều, lúc cao nhất số người dự thi đông gấp 4 - 5 lần so với chỉ tiêu. Tuy nhiên những năm gần đây số người dự tuyển ít dần, cao hơn chỉ tiêu không nhiều”.
tin liên quan
Không thể 'bình dân hóa' luận án tiến sĩViệc đào tạo tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội gây xôn xao dư
luận, một lần nữa lại rộ lên mối băn khoăn lâu nay: Thế nào là một đề
tài xứng tầm luận án tiến sĩ?
Tương tự, PGS-TS Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển cao học của trường nhiều năm giữ ổn định ở mức gần 700 cho gần 30 chuyên ngành đào tạo. Cũng chỉ tiêu này nhưng năm 2012, số thí sinh dự thi lên tới 1.500 - 2.000 người. Tuy nhiên, đợt 1 năm nay trường tuyển 400 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ nhận được khoảng 400 hồ sơ. Thậm chí, có những ngành không nhận được hồ sơ nào.
Ngược lại tình trạng này, việc tuyển sinh cao học ở các trường ngoài công lập những năm gần đây rất rầm rộ.
Một trường ĐH ngoài công lập ở miền Trung mỗi năm tuyển 450 chỉ tiêu nhưng số người dự thi luôn cao gấp đôi. Chỉ trong vòng 7 năm, một trường ĐH tư thục khác tại TP.HCM đã được cấp phép đào tạo thạc sĩ 10 chuyên ngành với chỉ tiêu tuyển mỗi năm 400 - 600 người. Trong đó, ngành quản trị kinh doanh tỷ lệ chọi luôn ở mức cao 3 thí sinh/chỉ tiêu.
Vấn đề đáng lo hơn là trước thực tế này, nhiều trường ĐH lớn cũng đang có xu hướng chạy theo cuộc đua giảm chất lượng đào tạo để có người học.
Bình luận (0)