Các chuyên gia cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi nền tảng và cách thức của quá trình dạy và học trong thời gian tới.
Giúp việc học hấp dẫn hơn
|
Hiện nay, những sản phẩm trong lĩnh vực AI cũng đã giúp giáo dục ngày càng thay đổi. Chẳng hạn robot AI có tên Jill Watson do giáo sư về khoa học máy tính Ashok Goel (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ) sáng chế đã thay ông trả lời mọi câu hỏi trực tuyến cho sinh viên, cũng như giúp các trợ giảng khác không phải làm việc quá tải. Hay như 2 phần mềm AI Cram101 và Justthefacts101 của Công ty Content Technologies (Mỹ) có thể biến bất kỳ một quyển sách giáo khoa truyền thống nào thành một quyển sách giáo khoa trực tuyến với những tương tác thú vị, giúp cho việc học dễ dàng và hấp dẫn hơn nhiều.
Tiến sĩ Vũ Duy Thức (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH Stanford, Mỹ)
Trước đây chưa ai dám dự báo
|
Có thể kể như mô hình phòng học thông minh với các thiết bị, công cụ hỗ trợ thích ứng và phù hợp với yêu cầu người học, lồng ghép hiệu quả các công nghệ nghe nhìn, đa phương tiện, hiện thực ảo tăng cường và thông minh mang lại hiệu quả cho quá trình dạy học. Hay sơ đồ tư duy, công cụ biểu diễn các khái niệm và các quan hệ ngữ nghĩa giữa chúng, là một sản phẩm AI về biểu diễn tri thức dưới dạng mạng ngữ nghĩa, có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt, lưu vết các thông tin, hiểu biết, tri thức trong một bài giảng, một trao đổi, thảo luận nhóm của học sinh. Hiện tại, đã có khá nhiều công cụ tin học hỗ trợ xây dựng và quản trị sơ đồ tư duy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học không chỉ đối với sinh viên, mà cả đối với học sinh.
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy (nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ -Đại học Quốc gia Hà Nội)
|
Thay đổi lớn vai trò của người dạy
Ít nhất trong giai đoạn đầu, AI sẽ chưa thể thay thế người dạy, đặc biệt là ở bậc mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, AI sẽ làm thay đổi rất lớn vai trò của người dạy trong kỷ nguyên giáo dục 4.0. AI sẽ làm giúp giáo viên rất nhiều công việc đơn giản nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian như chấm điểm, hướng dẫn học sinh giải một số loại bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin về điểm số, theo dõi quá trình học tập của học sinh, cũng như xác định những vấn đề mà mỗi học sinh cần được giúp đỡ. AI cũng sẽ làm thay đổi cách nhà trường tìm kiếm, tiếp cận, tuyển sinh và đào tạo người học theo dữ liệu thu được.
Tiến sĩ Trần Vũ Hùng (Cố vấn chuyên môn cấp cao iSMART Education)
|
Sáng tạo và tương tác hơn
Không hẳn robot sẽ thay thế được vai trò giáo viên nhưng sự xuất hiện của các ứng dụng AI có thể giúp giáo viên và học sinh có được trải nghiệm giáo dục tốt nhất và thay đổi bộ mặt của giáo dục trong tương lai. Công nghệ AI sẽ giúp việc học trở nên sáng tạo hơn và nhiều tính tương tác hơn.
Bên cạnh đó, AI sẽ giúp thiết kế chương trình học phù hợp với sở thích và trình độ của mỗi người học.
Thạc sĩ giáo dục Văn Đinh Hồng Vũ (Trường đại học Stanford, Mỹ)
|
Cách mạng hóa môi trường giảng dạy và học tập
Với những phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ của AI và người máy cũng như những thí nghiệm về việc sử dụng người máy trong giảng dạy cho thấy AI sẽ có khả năng làm rất nhiều công việc giảng dạy. Đặc biệt, vai trò của giảng viên trong kỷ nguyên 4.0 sẽ phải thay đổi nhiều trong 10 năm nữa. AI sẽ cách mạng hóa môi trường giảng dạy và học tập, tuy nhiên nên coi AI là những công cụ giảng dạy, là những người phụ giảng, có thể đảm nhận nhiều công tác giảng dạy và nhờ đó giúp giảng viên có thời gian tập trung vào những công việc quan trọng hơn trong quy trình đào tạo con người.
Giáo sư Trương Nguyện Thành (Trường đại học Utah, Mỹ)
Hai việc cần triển khai ngay
Vấn đề khó khăn là chúng ta mới chỉ vừa chớm bước vào thời đại của AI. Chúng ta không thể đoán định được chính xác điều gì sẽ xảy ra trong 10 hay 20 năm nữa. Nhưng có hai việc mà giáo dục cần triển khai ngay. Một là cần quay lại từ gốc, cái gì làm chúng ta trở thành con người và xây dựng được một xã hội với mặt bằng công nghệ và cấu trúc xã hội như hiện nay. Đó là khả năng học liên tục những cái mới, năng lực sáng tạo, khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, cũng như khả năng ứng biến trước sự bất định... Hai là chúng ta phải tận dụng chính các công cụ của ngành máy học để hỗ trợ công việc giảng dạy.
Tiến sĩ kinh tế Trần Vinh Dự (Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam)
Không công nghệ nào có thể thay thế lòng yêu nghề
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Vũ Duy Thức, dù thế giới công nghệ có biến động thế nào thì ở trung tâm vẫn là để phục vụ con người. Thế nên không nên nghĩ là con người cần phải điều chỉnh mà chính công nghệ sẽ không ngừng điều chỉnh để phục vụ con người tốt hơn. Đặc biệt, sẽ không có công nghệ nào có thể thay đổi tấm lòng yêu nghề và sự quan tâm của giáo viên đối với học sinh.
|
Bình luận (0)