Để bắt nhịp học tập sau tết

21/02/2018 09:01 GMT+7

Sau kỳ nghỉ tết khá dài, làm thế nào để học sinh vượt qua tâm lý 'ngán học, thích chơi' cho hiệu quả?

Tâm lý “cảm thấy chưa đã”
Uể oải, không tập trung là biểu hiện thường thấy sau kỳ nghỉ tết của học sinh (HS) ở tất cả các bậc học. Tùy lứa tuổi, khối lớp, HS thể hiện trạng thái tâm lý khác nhau.
Vào buổi học đầu tiên, tôi cùng học trò giao ước hôm nay kể chuyện về những ngày vui đã qua, kết hợp với việc ôn lại kiến thức thông qua các trò chơi sưu tầm được một cách thực sự nhẹ nhàng, vui nhộn
Giáo viên Võ Thị Thùy Linh (Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Chẳng hạn ở bậc mầm non, theo giáo viên Trần Thị Tú Quyên (Trường mầm non Vàng Anh, Q.5, TP.HCM), trẻ thường buồn bã, các sinh hoạt đã được giáo viên rèn luyện trong năm học bị xáo trộn. Đang ăn thì ngủ gục nhưng đến giờ ngủ trưa thì đòi chơi, hay khóc, nhõng nhẽo... Những biểu hiện này diễn ra vào tuần đầu tiên đi học trở lại.
Ở bậc tiểu học, theo giáo viên Võ Thị Thùy Linh (Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM), khoảng 3 ngày đầu tiên, các em không tập trung, nói chuyện nhiều, làm việc riêng và hay mang đồ chơi, đồ ăn đến lớp...
Trước những biểu hiện trên, các giáo viên cho rằng nguyên nhân xuất phát từ tâm lý “ngày tết mà” nên phụ huynh cũng muốn tạo sự thoải mái cho con em. Còn HS do không bị áp lực về bài vở nên vui chơi đến ngày đi học vẫn còn “cảm thấy chưa đã”. Đặc biệt, một số HS không sắp xếp thời gian vui chơi hợp lý nên không bắt nhịp với việc học khi quay trở lại trường.
Do vậy, đối với HS tiểu học, giáo viên Võ Thị Thùy Linh cho rằng phụ huynh cần phải nhắc nhở, khuyến khích con em dành thời gian hợp lý để sau những ngày nghỉ, các em có tâm lý tốt chứ không bị lơ là.
Bí quyết đánh tan sự uể oải
Đối với trẻ mầm non, để các con không bị tâm lý sợ sệt khi đi học lại, giáo viên Nguyễn Thị Hồng Lụa (Q.8) chia sẻ, khi trẻ hư, phụ huynh không nên đưa giáo viên ra hù dọa, nên thường xuyên khen ngợi, động viên khi các con làm việc tốt. “Hai ngày trước khi đi học lại, phụ huynh cho trẻ tập theo giờ giấc ăn ngủ đã được rèn và khơi gợi cho con tâm lý nhớ bạn, nhớ trường để hào hứng chờ đợi ngày đến trường”, giáo viên này khuyên.
Qua nhiều năm nắm bắt tâm lý của học trò, cô giáo Võ Thị Thùy Linh cho rằng dù có ép HS chuyên tâm chuyện học ngay cũng không đạt kết quả. Chưa kể nếu không cẩn thận sẽ gây tác dụng ngược khiến học trò chán nản, buông kiến thức. Để dẫn dắt từ từ, giáo viên Thùy Linh cho biết: “Vào buổi học đầu tiên, tôi cùng học trò giao ước hôm nay kể chuyện về những ngày vui đã qua, kết hợp với việc ôn lại kiến thức thông qua các trò chơi sưu tầm được một cách thực sự nhẹ nhàng, vui nhộn”.
Có hiệu trưởng đưa ra ý tưởng cho buổi học đầu tiên của năm mới là tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, dâng hương tưởng niệm danh nhân mà trường mang tên để tạo động lực cho HS, đồng thời giúp các em hiểu được cội nguồn và có những ngày học tập đầu xuân đầy ý nghĩa.
Một giáo viên bậc THCS lưu ý, sau thời gian nghỉ tết là thời điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối học kỳ 2 nên HS cần bắt nhịp sớm, đặc biệt là HS cuối cấp phải chú ý hơn. Một vài ngày trước khi vào học lại nên chuẩn bị sách vở, xem lại bài cũ hoặc đọc những bài thơ, bài văn mình yêu thích để tạo đà cho việc học.
Giáo viên Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) đưa ra bí kíp: “Nên chọn ra 3 bài hoặc 3 vấn đề ưu tiên để ôn trong tết.
Sau tết, các em sẽ bước vào các kỳ kiểm tra nên cần bắt nhịp ngay thay vì giữ tâm lý tháng giêng là tháng ăn chơi. Văn ôn võ luyện, không nên buông lỏng”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ các bậc cha mẹ nên khuyến khích trẻ lấy lại động lực học tập bằng những câu chuyện vui, những nhắc nhở nho nhỏ như không nên chơi hoặc ngủ quá nhiều để không bị chây ì...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.