Vận động qua mạng xã hội
Với nhiều trẻ nhỏ ở xã Trà Nam (H.Nam Trà My, Quảng Nam), bữa cơm có thịt dường như vẫn còn xa lạ. Cô Lê Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Trà Nam, khi đến khảo sát tình hình của học sinh (HS) đã nhiều lần chứng kiến cảnh 3 - 4 em nhỏ ngồi quanh nồi cơm ăn với chén muối ớt ngon lành.
Điểm Trường Tăk Ta - Mang Liệt (thôn 4, xã Trà Nam) là một nơi thiếu thốn như thế. Chừng 4 năm trước, điểm trường này chỉ có những tấm ván ghép lại để che mưa che nắng. Mùa lạnh, gió lùa tứ bề. Có lúc vì quá lạnh, HS chỉ còn biết co cụm về một góc để chống rét... Nhưng giờ thì thay đổi nhiều rồi. Trường đã được xây kiên cố, sạch sẽ; nhà ở bán trú cho HS cũng đã được xây kín.
tin liên quan
Cho học sinh ăn đồ nguội vì thiếu tiền bán trúMới lên công tác tại điểm trường này từ năm 2017 nhưng những đóng góp của cô Cư là không hề nhỏ. Bằng sức trẻ và tình yêu thương, thông qua mạng xã hội, cô đã lập chương trình “Vì bữa cơm cho trẻ vùng cao” để kêu gọi bạn bè và các nhà hảo tâm hỗ trợ. “Ban đầu thì được một ít, rồi cứ thế lớn dần lên và cố định hằng tháng như hiện nay. Giờ, bữa cơm của các em đã phong phú hơn rất nhiều. Lúc thì bún chả cá, lúc thì mì gà, thường xuyên nhất là cơm với đầy đủ chất dinh dưỡng, rau củ quả”, cô giáo Cư nói.
Hiện tại, mỗi tháng cô giáo Cư vận động được 10 triệu đồng "cứng" để phục vụ bữa ăn cho HS. Không chỉ lo bữa ăn trưa, cô còn vận động phụ huynh để HS ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần mới về nhà. Những phụ huynh nào rảnh rỗi có thể đến trường phụ giúp việc nấu nướng. Nhờ vậy, khoản thuê người nấu nướng được tiết kiệm để bù thêm vào suất ăn.
Ngôi nhà yêu thương
Cũng bằng cách vận động như cô Cư, cô giáo Dương Thị Hồng Vy (25 tuổi, điểm Trường mẫu giáo Măng Dí, thôn 1, xã Trà Nam) đưa về mỗi tháng 5 triệu đồng để phụ vào bữa cơm cho 40 HS. “Từ bán trú, các em sẽ được ăn cả ngày và ngủ lại tại trường. Như thế, việc chăm sóc sức khỏe hay học hành của các em sẽ được cải thiện hơn rất nhiều”, cô giáo Vy tâm sự.
|
Có lên đến những điểm trường này mới thấy được tình yêu thương, sự gắn bó của cô trò lẫn phụ huynh. Tại điểm Trường Tăk Ta - Mang Liệt hay Măng Dí đều có một căn nhà sàn bằng gỗ được dựng lên làm nơi trú ngụ thường xuyên cho các phụ huynh đến... phụ giúp nấu nướng. “Nếu ở thường xuyên thì chừng 10 - 13 người, còn những người khác luân phiên nhau tới để nấu ăn thì có lúc lên tới 17 người. Với những người đã già, các cô giáo cũng chủ động lo chuyện ăn uống, nghỉ ngơi cho họ nữa”, cô Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Thanh tâm sự.
Bà Lê Thị Zem (67 tuổi, thôn 4) ở điểm Trường Tăk Ta - Mang Liệt đã 3 năm để nuôi 2 cháu học. Không đủ sức đi rẫy nhưng bà còn sức để lo chuyện nhặt rau, nấu nướng. “Ở đây như ở nhà vậy. Mấy cô dễ tính lắm! Nhiều khi được ăn những món ngon mà mình chả được ăn bao giờ”, bà Zem cười xòa.
Không chỉ bữa ăn, giấc ngủ mà đến từng bộ áo quần, đôi dép của HS vùng cao cũng được các cô giáo trẻ ở điểm trường chót vót trên Nam Trà My chăm lo từng chút một.
Cô giáo Cư tâm sự, mỗi lần thấy các em co ro trong cái lạnh, đôi mắt ướt nhòe vì nước mưa... thì trong cô lại cồn cào một thôi thúc phải làm gì đó. Để rồi cô tìm cách giúp các em được ấm hơn, mỗi buổi chiều cũng được uống sữa như các HS cùng trang lứa dưới xuôi… Ngoài ra, các cô giáo phải tự trang bị kiến thức để xử lý trong tình huống HS lên cơn sốt, đau bụng hay có biểu hiện bệnh tật... “Ở đây, chúng tôi như người một nhà”, cô giáo Cư trải lòng.
Bình luận (0)