Đề nghị đưa phân luồng giáo dục vào luật

13/02/2019 08:21 GMT+7

Việc phân luồng học sinh trong giáo dục đã đặt ra nhiều năm nay tuy nhiên hiệu quả vẫn thấp dù đã có nhiều đề án, chỉ thị, nghị quyết bàn về vấn đề này.

Từ thực tế đó, vào đầu tháng 2, chia sẻ các nội dung sẽ thực hiện về công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2019 với truyền thông, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết việc đưa phân luồng vào luật là hết sức cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh và đào tạo của các bậc học sau phổ thông, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.

Mục tiêu 30%, thực hiện dưới 10%

Lý giải với Thanh Niên, ông Lê Quân chia sẻ: “Phân luồng học sinh (HS) hết lớp 9 vào học nghề là chủ trương đã được Đảng và Chính phủ đặt ra từ rất nhiều năm qua. Chỉ tiêu phân luồng được đưa ra là 30% vào năm 2020 và 45% vào 2025. Tuy nhiên, đến nay kết quả phân luồng đạt rất thấp so với yêu cầu. Nhiều địa phương tỷ lệ phân luồng chỉ đạt dưới 10%. Nguyên nhân khách quan đến từ tâm lý của phụ huynh, HS và của doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức đến học nghề. Nguyên nhân chủ quan là chất lượng các chương trình đào tạo nghề dành cho HS hết lớp 9 chưa đáp ứng yêu cầu”.
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cũng nhìn nhận: “Chúng ta đã có đủ các nghị quyết, chỉ thị về phân luồng nhưng thực tế chưa thực hiện được. Sau khi Chính phủ miễn học phí 100% cho người tốt nghiệp THCS đi học nghề, công tác hướng nghiệp được đẩy mạnh, đã xuất hiện HS giỏi có kết quả học tập THPT trên 9,0 theo học nhưng con số này nói chung vẫn vô cùng ít ỏi”.

Liên thông theo tích lũy tín chỉ

Để thu hút HS vào học nghề, theo Thứ trưởng Lê Quân, cần luật hóa vấn đề phân luồng, một mặt nhằm tạo cơ hội cho người học được học tập suốt đời, mặt khác nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề dành cho HS tốt nghiệp lớp 9. Cụ thể, trong luật sẽ quy định rõ về quyền và các điều kiện học liên thông giữa các trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ, ĐH. Việc liên thông được thực hiện theo đúng thông lệ quốc tế: Người học tích lũy đủ tín chỉ cần thiết thì được tiếp nhận học liên thông lên bậc học cao hơn cùng với sinh viên chính quy và được cấp bằng chính quy khi đủ điều kiện.
“Việc tổ chức đào tạo hệ liên thông tách biệt với hệ đào tạo chính quy như thời gian qua không còn phù hợp và không đảm bảo chất lượng. Tại các quốc gia phát triển, sinh viên tốt nghiệp CĐ, nếu đủ điều kiện thì sẽ được trường ĐH tiếp nhận, sau khi hoàn thành các tín chỉ còn thiếu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp ĐH. Triển khai được điều này, chúng ta sẽ thành công trong xây dựng hệ thống giáo dục mở gắn với học tập suốt đời”, ông Quân nhận định.
Xem khâu liên thông là vấn đề chủ chốt, ông Phạm Hữu Lộc đề xuất 2 bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH cũng cần phối hợp thống nhất giải quyết minh bạch vấn đề này. “Đây chính là một vướng mắc khiến người học băn khoăn, ảnh hưởng tới nhận thức về phân luồng. Chừng nào vấn đề liên thông được giải quyết thì phụ huynh HS mới “thông” để có quyết định lựa chọn học gì sau lớp 9”, ông Lộc đánh giá.
Ngoài ra, theo ông Quân, các chương trình đào tạo dành cho HS tốt nghiệp lớp 9, hay còn gọi là các chương trình 9+ cũng phải được đổi mới, cho phép HS tốt nghiệp THCS được theo học trình độ CĐ tại các trường CĐ với thời gian từ 3 đến 5 năm tùy từng nghề, được thiết kế bài bản kết hợp cả đào tạo văn hóa và kỹ năng nghề.
Ý kiến
Cả 2 bộ đều lúng túng
Để phân luồng tốt cần phải có dự báo nhu cầu nhân lực về trình độ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, làm rõ những ngành nghề nào cần cho trình độ CĐ, ngành nghề nào cần cho ĐH. Tiếp theo là phải chỉ rõ nguyên nhân cốt lõi của việc phân luồng hiện nay đang còn lúng túng ở cả hai bộ. Việc luật hóa phân luồng cần làm rõ nên luật hóa nội dung nào và cơ sở khoa học của nó.
Hoàng Ngọc Vinh 
(nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT)
Cần có quy định cụ thể
Nên luật hóa việc phân luồng để giúp cho các hoạt động định hướng nghề nghiệp tại các trường THCS, THPT được thực hiện quy củ hơn, hiệu quả hơn. Có cơ sở pháp lý, những thông tư liên tịch liên quan đến kinh phí, nội dung chương trình giữa các đơn vị cũng sẽ dễ dàng thực hiện hơn...
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn 
(Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)
Giảm chỉ tiêu THPT
Điểm mấu chốt trong công tác phân luồng vẫn là thay đổi tâm lý, nhận thức của người học về các bậc học. Nếu muốn HS tốt nghiệp THCS đi học nghề như kế hoạch đề ra, thì trước tiên chỉ tiêu THPT phải giảm đi. Điều quan trọng nữa là hệ thống trường nghề phải đảm bảo đào tạo tốt, nghề ra nghề, tốt nghiệp có việc làm ngay.
Nguyễn Thanh Hải 
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Tiền Giang)
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thúc đẩy phân luồng
Tiến sĩ Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Tháng 5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt đề án 522 về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025. Theo đó, phấn đấu ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học trình độ sơ cấp, trung cấp và ít nhất 45% tiếp tục học tập trình độ CĐ. Một trong những cách để thực hiện là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Từ năm 2020 chúng ta sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với sự phân chia chương trình thành 2 giai đoạn rất có lợi cho việc phân luồng”.
Theo ông Chuẩn, học xong giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9, hiện tại gọi là THCS), người học có đủ kiến thức nền tảng để bước vào học chương trình giáo dục nghề nghiệp. Sau khi học xong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12, hiện gọi là THPT, người học có thể theo học ĐH. “Hiện nay cả 2 bộ GD-ĐT và LĐ-TB-XH đang tích cực triển khai đề án này. Cùng với các hoạt động về định hướng nghề nghiệp, hình thành cơ sở dữ liệu về nghề, thị trường lao động và thông tin về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề, bậc học... năm 2018 việc phân luồng đã có tín hiệu tốt hơn so với trước”, ông Chuẩn cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.