Đề tham khảo THPT quốc gia: Không gây khó cho thí sinh

07/12/2018 08:20 GMT+7

Đề tham khảo thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ GD-ĐT công bố hôm qua được các giáo viên đánh giá phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và không gây áp lực lớn cho học sinh về kiến thức lớp 10.

Ngay sau khi Bộ công bố đề thi tham khảo, hầu hết giáo viên bộ môn đều cho biết thật sự nhẹ nhõm.
Những kiến thức, câu hỏi quen thuộc
Nhận xét về đề tham khảo môn sinh học, ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: “Cấu trúc đề thi chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12. Cụ thể, kiến thức lớp 12 xuất hiện ở 34 câu hỏi, kiến thức lớp 11 là 4 câu và còn lại 2 câu kiến thức lớp 10”. Giống như những năm trước, câu hỏi khó tập trung vào phần bài tập. Các câu hỏi dạng bài tập tính toán theo hình thức cổ điển và tập trung vào phần di truyền của chương trình lớp 12. Nội dung các câu hỏi tương đối dài, có thể làm mất thời gian đọc của thí sinh.
Tương tự, ở môn toán, giáo viên Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nhận xét đề có rất ít câu hỏi lạ mà chủ yếu là những câu có hình thức hỏi, đặt vấn đề quen thuộc. Kiến thức lớp 10 và 11 xuất hiện không đáng kể, chỉ 1 câu lớp 10 và 4 câu lớp 11, nhưng đều là kiến thức không thuộc dạng khó.
Với các yêu cầu về kiến thức xuất hiện trong đề, ông Toàn cho rằng không gây khó cho thí sinh như đề thi năm trước. Trong thời gian 90 phút, thí sinh có học lực giỏi có thể dễ dàng hoàn tất bài thi này.
Có những môn không có kiến thức lớp 10
Trong khi đó, có những môn thi không có sự hiện diện của kiến thức lớp 10. Chẳng hạn ở môn lịch sử, giáo viên Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), thống kê: “Có 35/40 câu (87,5%) thuộc kiến thức lớp 12; 5/40 câu thuộc kiến thức lớp 11 (12,5%). Câu hỏi kiến thức lớp 12 được tăng lên và lớp 11 đã giảm đi so với năm trước. Về phần nội dung kiến thức, lịch sử thế giới chiếm 12/40 câu (30%), lịch sử VN chiếm 28/40 câu (70%). Về các mức độ nhận thức trong đề, khoảng 50% số câu thuộc mức độ nhận biết, 50% các mức độ thông hiểu; vận dụng chiếm không đáng kể”.
Tương tự, trong bài khoa học tự nhiên, giáo viên Lê Thị Ngọc Dung, Tổ vật lý Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) cho hay, trong số 40 câu hỏi môn lý, Bộ đưa kiến thức lớp 12 vào 36 câu, lớp 11 có 4 câu, không có sự xuất hiện của kiến thức lớp 10. Phần khó vẫn thuộc về điện xoay chiều, dao động cơ và sóng cơ...
Phù hợp mục đích xét tốt nghiệp nhưng vẫn phân hóa
Giáo viên Trần Văn Toàn cho rằng nếu đề thi chính thức tương tự đề thi tham khảo vừa công bố thì sẽ không làm khó thí sinh so với năm trước. Các câu hỏi yêu cầu tính toán dài dòng như năm trước không xuất hiện nhiều. Cái hay của đề là phân loại khá “mịn” trình độ thí sinh. Tuy nhiên, trong 20 câu khó lại không thể hiện đánh giá học sinh khá giỏi một cách rõ rệt. Về khía cạnh này, ông Toàn e ngại, khi xét tuyển ĐH, thí sinh chỉ cần có kết quả chênh nhau một chút là cũng có thể quyết định việc đậu hay rớt, nên nếu không cẩn thận, thí sinh dễ bị thiệt thòi.
Còn bà Ngọc Dung chỉ ra rằng, trong đề môn vật lý, ở 25 câu đầu tiên có yêu cầu kiến thức khá nhẹ nhàng bao gồm lý thuyết và bài tập cơ bản. Từ câu 26 - 32 đòi hỏi thí sinh vận dụng nhưng cũng ở mức độ vừa phải cùng các dạng toán quen thuộc. Còn từ câu 33 trở đi yêu cầu học sinh vận dụng ở mức độ cao, dành để phân hóa thí sinh trong việc xét tuyển ĐH.
Với đề môn ngữ văn, ông Lê Minh Tân, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cho rằng đề tham khảo có định hướng hạn chế học vẹt, viết văn khuôn mẫu. Dù không có sự thay đổi lớn về cấu trúc so với mọi năm nhưng đề tham khảo hay hơn đề thi chính thức của năm trước, bởi yêu cầu học sinh tư duy và bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn. Trong đó, nội dung phần đọc hiểu gần gũi với cuộc sống, với tâm lý và tính cách của lứa tuổi các em. Phần nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh phải nắm và hiểu sâu tác phẩm thì mới có thể làm bài tốt. Nhìn chung, tổng thể các câu hỏi trong đề khá hay, đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ sâu sắc về mục tiêu của bản thân, từ đó mới biết mình cần thay đổi những gì. Với dạng đề này học sinh phải suy nghĩ thấu đáo, hạn chế được cách viết chung chung theo khuôn mẫu.
Đề môn hóa hay nhưng thí sinh cần lưu ý kỹ về cách đưa điều kiện trong đề
Đề tham khảo môn hóa lần này rất hay ở chỗ bám sát SGK, trọng tâm chủ yếu là chương trình lớp 12 và có những câu rất thực tiễn như câu 58 nói về dụng cụ chiết; câu 72 nói về trứng muối; câu 76 nói về các bước tiến hành quen thuộc trong thí nghiệm ở chương trình khối 12 là điều chế ester etyl axetat. Bên cạnh đó, các bài tập cũng không còn dạng đánh đố nhưng cũng không thể nói là dễ để hoàn thành một cách trọn vẹn trong vòng 50 phút. Ngoài ra, “ăn mòn hóa học” với khái niệm mới chưa lần nào ra thi, thì lần này là bước đột phá nếu học sinh không cập nhật kiến thức mới trong SGK hoặc chỉ chú tâm vào ăn mòn điện hóa như những năm trước.
Đề tham khảo lần này có câu đồ thị rất hay nhưng thí sinh cần lưu ý điều kiện đặt ở vị trí khác với mọi năm. Tất cả những năm trước, câu nào có liên quan đến thể tích khí thì đề cho biết điều kiện cụ thể về thể tích khí ngay ở câu đó, trong khi đề năm nay, Bộ lại đưa dữ kiện này lên trang 1, nằm ở phần đầu dùng chung cho cả bài thi.
Nguyễn Đình Độ 
(Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân - TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.