Đề thi tăng cường thực tiễn và tích hợp kiến thức

03/09/2018 08:58 GMT+7

TP.HCM vẫn giữ nguyên hình thức và cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 như năm học trước. Trong đó, nội dung các câu hỏi tiếp tục theo định hướng tăng cường tính thực tiễn và tích hợp kiến thức.

Đối với học sinh (HS) lớp 9, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là mục tiêu phấn đấu trong suốt năm học. Đặc biệt, trong bối cảnh số lượng HS mỗi năm mỗi tăng còn tỷ lệ phân luồng HS vào lớp 10 công lập mỗi năm lại giảm khoảng 3%. Vì vậy, để có suất học trường THPT công lập, HS cần có sự chuẩn bị ngay từ những ngày đầu khai giảng.
Vì vậy dù mới đầu năm học, khá nhiều phụ huynh đã quan tâm, lo lắng, tìm hiểu thông tin về kỳ thi chuyển cấp. Bạn đọc Nguyễn Khánh Hoàng, có con học Trường THCS Hai Bà Trưng (Q.3) lo lắng: “Thấy các tỉnh, thành khác thay đổi các môn thi, nơi thì sử dụng các bài thi đơn lẻ, nơi thì sử dụng bài thi tổ hợp như thi tốt nghiệp THPT nên phụ huynh chúng tôi cũng đang nghe ngóng xem TP.HCM có thay đổi gì không?”.
Hình thức và cấu trúc đề thi không thay đổi

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định TP sẽ giữ ổn định về hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn thi là toán, ngữ văn và môn thứ 3. Ông Hiếu nói thêm, theo quy định của Bộ, môn thi thứ 3, Sở công bố vào tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, Sở vẫn lựa chọn môn thi thứ 3 là ngoại ngữ để phù hợp với định hướng phát triển của TP.
Ngoài ra, ông Hiếu cho hay, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 mà HS lớp 9 năm nay tham dự sẽ tương tự như cấu trúc đề thi của năm học 2018 - 2019. Trong đó, Sở tiếp tục thực hiện theo định hướng tăng cường tính thực tiễn, khuyến khích HS thể hiện khả năng tư duy, vận dụng kiến thức vào đời sống.
Chẳng hạn, với đề thi môn toán sẽ có 8 câu hỏi (trong đó 1 câu hỏi hình học chiếm 3 điểm), sẽ có khoảng 50% câu hỏi ở mức độ hiểu và vận dụng, 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa lý. Như vậy, có khoảng 3 điểm là các bài toán đề cập đến kiến thức hoặc là sinh học, hóa học, hoặc vật lý… nhưng không gây áp lực khiến HS học nhiều môn và không bắt HS phải nhớ nhiều công thức, kiến thức chi tiết. Có thể trong đề sẽ nhắc lại công thức nhưng cần hiểu kiến thức môn đó và vận dụng toán vào giải quyết câu hỏi.
Một thông tin đáng lưu ý, trong cuộc họp triển khai chuyên môn môn toán đầu năm, chuyên viên phụ trách môn học này của Sở công bố, câu hỏi về hình học không gian của đề thi năm 2019 sẽ không khu trú vào kiến thức của lớp 8 là hình chóp, hình lăng trụ, hình chữ nhật… như năm trước. Theo đó, có thể ở câu hỏi này, hội đồng biên soạn đề thi sẽ đề cập đến các kiến thức của lớp 9 như khối cầu, khối nón, khối trụ…
Còn về môn ngữ văn, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên của Sở, thông tin: Cấu trúc đề thi không thay đổi, nghĩa là đề thi có phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Các câu hỏi vẫn được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện chi tiết, yêu cầu nêu nội dung văn bản, về tiếng Việt, yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới…
Giáo viên phải chủ động, sáng tạo
Ngoài ra, qua kết quả thống kê khoảng 51% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn toán của Sở GD-ĐT, chỉ ra rằng HS còn gặp khó khăn ở phần hình học không gian, bài toán thực tế và mất điểm qua cách trình bày. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở nhấn mạnh, Sở không gây áp lực với các trường về tỷ lệ bởi việc biên soạn đề thi theo hướng đổi mới này nhằm thay đổi việc kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực. Đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, HS biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; tăng cường tính tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học vẹt, học tủ; định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết cho HS lớp 9 khi bước vào bậc THPT.
Cụ thể, chuyên viên của Sở đề nghị, mỗi quận, huyện có thể đề xuất 5 đề minh họa theo cấu trúc đã ban hành để tạo nguồn tham khảo cho đội ngũ giáo viên lớp 9 và có những phương pháp giảng dạy phù hợp cho HS. Thêm vào đó cần hướng dẫn HS cách trình bày, kỹ năng liên hệ giữa hình học không gian với hình học phẳng…
Để chuẩn bị cho quá trình giảng dạy, ông Nguyễn Văn Hiếu nói thêm, với định hướng đổi mới như vậy, giáo viên phải sáng tạo chứ không còn phụ thuộc vào giáo án. Trên cơ sở thực hiện đầy đủ chương trình của Bộ GD-ĐT để HS đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng cần thiết, các nội dung dạy học phải luôn được cập nhật, không gò bó trong sách giáo khoa hay trong giáo án như thời gian trước đây. Giờ đây giáo viên có toàn quyền chủ động về thời gian truyền đạt kiến thức trong một tiết học để đảm bảo HS vừa sức tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên phải áp dụng các phương pháp dạy học tích cực giúp HS phát huy tính chủ động, sáng tạo của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.