Đề thi tốt nghiệp THPT 2 đợt tương đương, không khó hơn hoặc dễ hơn

08/08/2020 07:01 GMT+7

Bộ GD-ĐT khẳng định nguyên tắc thí sinh nào an toàn, nơi nào an toàn và không thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 mới thi tốt nghiệp THPT trong đợt 1.

Chiều 7.8, PGS Mai Văn Trinh (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những thông tin cần lưu ý trước khi chính thức diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ ngày 8 - 10.8.
Đề thi THPT 2 đợt tương đương, không khó hơn hoặc dễ hơn1

ẢNH: KIM HIỀN

Ông Mai Văn Trinh cho biết đến thời điểm hiện nay, tất cả các tỉnh, TP, kể cả Đà Nẵng, đều đã sẵn sàng cho công tác chuẩn bị kỳ thi. Thứ nhất, toàn bộ cơ sở dữ liệu về thí sinh (TS), các phòng thi; cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi như điểm thi, phòng thi, hệ thống camera giám sát, máy quét, hệ thống công nghệ thông tin... đều đã chuẩn bị đầy đủ.
Hiện nay, công tác đề thi đã được triển khai theo đúng kế hoạch và lộ trình. Từ ngày 8.8, các địa phương hoàn tất in sao và chuyển đề thi về các điểm thi.

Trước ngày thi tốt nghiệp THPT: Vừa tổ chức thi vừa lo chống Covid-19

Vẫn có thể có thêm địa phương phải dừng thi

Bộ GD-ĐT có lưu ý cụ thể nào để đảm bảo an toàn cho kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thưa ông?
Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cùng Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực tế của các địa phương để đảm bảo đạt được mục tiêu kép là tổ chức được kỳ thi nhưng phải đảm bảo an toàn.
Tinh thần chung là những học sinh nào, những nơi nào an toàn thì sẽ tham dự kỳ thi này. Những học sinh nào diện F1, F2 và chưa an toàn thì sẽ đợi thi vào đợt bổ sung. Bộ cũng lưu ý việc tổ chức thi đợt 1 phải đảm bảo cho các cán bộ, giáo viên và TS phải được thi và làm nhiệm vụ kỳ thi trong môi trường thực sự an toàn…
Đến ngày 7.8, Bộ nhận được báo cáo của Đà Nẵng và một số huyện của Quảng Nam; TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã quyết định chưa thi đợt 1. Tuy nhiên, danh sách này không cố định mà tùy theo diễn biến thực tế của dịch bệnh cho đến ngày thi chính thức diễn ra. Do vậy, đến ngày thi vẫn có thể có thêm địa phương, TS sẽ phải thi đợt 2 để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các em và kỳ thi.
Đề thi THPT 2 đợt tương đương, không khó hơn hoặc dễ hơn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Bắc Kạn

ẢNH: QUỲNH TRANG

Phòng ngừa thí sinh lợi dụng đeo khẩu trang để gian lận

Thi tốt nghiệp THPT 2020: Thí sinh nói gì sau khi làm thủ tục dự thi?

Nhiều ý kiến lo ngại việc TS đeo khẩu trang trong phòng thi sẽ dẫn tới tình huống khó kiểm soát nếu TS cố tình sử dụng, cài cắm thiết bị phục vụ gian lận thi cử công nghệ cao. Bộ có lưu ý gì về vấn đề này?
Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, TS đeo khẩu trang trong quá trình dự thi để phòng ngừa dịch bệnh, Bộ có khuyến cáo để các địa phương có phương án vừa đảm bảo an toàn cho TS, nhưng đồng thời vẫn kiểm soát được những ý định lợi dụng việc đeo khẩu trang để thực hiện hành vi gian lận trong thi cử. Bộ cũng khuyến khích các địa phương trang bị đồng loạt khẩu trang y tế cho tất cả TS ở từng điểm thi. Nếu không đủ điều kiện làm như vậy thì quy ước TS phải sử dụng khẩu trang y tế trong phòng thi. Nếu TS sử dụng một loại khẩu trang khác có nghi vấn thì từng điểm thi phải dự phòng khẩu trang y tế để yêu cầu TS đó sử dụng khẩu trang do điểm thi phát.
Đón xem gợi ý giải đề thi trên Báo Thanh Niên
Nhằm đáp ứng nhu cầu của TS, trên các số báo ra ngày 10 và 11.8, Báo Thanh Niên sẽ đăng gợi ý bài giải các môn/bài thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúc các TS khỏe mạnh để tham gia kỳ thi và đạt kết quả tốt nhất.

Đảm bảo công bằng giữa 2 đợt thi

Với địa phương thi đợt sau, Bộ GD-ĐT có giải pháp và cam kết thế nào để bảo đảm quyền lợi cho TS, thưa ông?
Quyết định tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại và có diễn biến phức tạp là một quyết định rất đa chiều, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là quyền lợi của TS. Học sinh được quyền tham dự kỳ thi theo quy định của luật Giáo dục; có quyền được thi trong điều kiện an toàn nhất về sức khỏe và tâm lý để có kết quả thi tốt nhất trong khả năng của mình.
Do vậy, TS thi sau vẫn được sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, nhất là các trường tốp đầu, theo nguyện vọng mà các em đã đăng ký. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề của cả 2 đợt thi nên chúng tôi khẳng định các em thi đợt sau hoàn toàn yên tâm vì đề đợt 2 có yêu cầu tương đương, không khó hơn hoặc dễ hơn so với đề đợt 1. Đề thi cả 2 đợt đều có cùng cấu trúc đề thi, dựa trên ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng lâu nay để đảm bảo công bằng cho TS ở cả 2 đợt thi.
Giao kỳ thi cho địa phương, điều vẫn khiến dư luận băn khoăn là tính công bằng, khách quan trong việc tổ chức kỳ thi này. Vậy Bộ sẽ kiểm tra như thế nào để đảm bảo không có sự “lỏng - chặt” khác nhau giữa các địa phương?
Do kỳ thi năm nay giao trách nhiệm chính cho các địa phương nên Bộ GD-ĐT xác định việc thanh tra, kiểm tra sẽ được nâng lên so với các năm trước. Dù công tác thanh, kiểm tra không phải là giải pháp “vạn năng”, nhưng chúng tôi coi đó là giải pháp đặc biệt quan trọng để đảm bảo các địa phương thực hiện đúng quy định, yêu cầu. Năm nay, các trường ĐH không tham gia khâu coi thi nhưng sẽ tham gia vào các đoàn kiểm tra thi tại chỗ ở tất cả điểm thi. Tương tự, khâu chấm thi cũng sẽ được thực hiện dưới sự giám sát bài bản của lực lượng thanh kiểm tra.
Không vì phòng ngừa dịch bệnh mà lơ là quy chế thi
Kiểm tra ở một số địa phương, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nêu chi tiết những việc các điểm thi cần thực hiện tốt để vừa đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy chế thi, vừa đảm bảo phòng ngừa dịch Covid-19, không vì lo phòng ngừa dịch bệnh mà lơ là, tạo kẽ hở trong bất cứ khâu nào của kỳ thi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “An toàn mới thi”
Ngày 7.8, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ bàn về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, báo cáo về kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết công tác chuẩn bị ở các địa phương đã sẵn sàng. Hiện nay có TP.Đà Nẵng, 6 huyện/TP/thị xã của tỉnh Quảng Nam và TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nên đề nghị cho phép thi đợt sau.
Tính đến đầu giờ sáng 7.8, Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo của 3 địa phương (Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Lạng Sơn) cho biết có 93 học sinh thuộc diện F1, F2 sẽ thi đợt sau.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục của tất cả các địa phương rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp cụ thể, phù hợp, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, lưu ý chủ động các biện pháp phòng dịch với “tinh thần là an toàn mới thi, bảo vệ cả TS thầy cô và phụ huynh”.
Chí Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.